Đức Trọng hướng đến trở thành trung tâm thương mại dịch vụ hàng đầu của Lâm Đồng

30/05/2022 08:00 GMT+7

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, H.Đức Trọng đang nỗ lực phấn đấu để thành trung tâm thương mại dịch vụ hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng.

Nằm ở cửa ngõ ra vào TP.Đà Lạt, có cảng hàng không Liên Khương, hạ tầng giao thông kết nối với các vùng kinh tế của tỉnh và cả nước, những năm qua, việc phát triển thương mại dịch vụ ở H.Đức Trọng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Trung tâm thương mại hiện đại đã xuất hiện ở Đức Trọng

A.T

Theo UBND H.Đức Trọng, trên địa bàn hiện có hơn 8.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ; 9 chợ truyền thống cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân. Ngoài ra, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Việt Đặng đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 1 chợ đầu mối nông sản chất lượng cao tại thị trấn Liên Nghĩa; Công ty TNHH Bùi Hoàng Anh đang xây dựng chợ N’Thôn Hạ cũng đã cơ bản hoàn thành…

Bên cạnh đó, H.Đức Trọng đã thu hút đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trung tâm thương mại TTC tại thị trấn Liên Nghĩa với diện tích sàn hơn 12.000m2. Huyện cũng có hơn 400 cửa hàng tạp hóa, bách hóa tổng hợp; các chuỗi siêu thị thực phẩm của Bách Hóa Xanh (8 cửa hàng) và hàng chục siêu thị điện thoại, điện máy khác phân bố đều trên địa bàn các xã, thị trấn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân

Hiện nay trên địa bàn huyện cũng có sự hiện diện của 14 ngân hàng, 4 quỹ tín dụng nhân dân, 6 dịch vụ bảo hiểm, tỉ lệ giải ngân hàng năm cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Năm 2021, giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ thực hiện khoảng 5.820 tỉ đồng (tăng 6,53% so với cùng kỳ); riêng 3 tháng đầu năm 2022, thực hiện 1.625 tỉ đồng (tăng 9,43% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, theo ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, việc phát triển thương mại dịch vụ ở địa phương vẫn còn một số khó khăn. Thương mại, dịch vụ tuy phát triển nhưng còn chưa tương xứng so với sự phát triển kinh tế của địa phương, phát triển chưa đồng đều, chưa khai thác hết tiềm lực, thế mạnh về kết nối giao thông, vị trí địa lý. Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản lý chợ từ Nhà nước sang HTX, doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian dài nên việc phục hồi một số hoạt động thương mại dịch vụ còn chậm…

Cũng theo ông Hoàng, thời gian đến, huyện thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo nghị quyết 06-NQ/TU ngày 12.11.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chỉ đạo của UBND tỉnh; Chương trình hành động của Huyện ủy và kế hoạch của UBND huyện; đồng thời, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc quy hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Tiếp tục thu hút đầu tư ngoài ngân sách và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Hệ thống chợ truyền thống và hàng ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của nhân dân

A.T

Tập trung kêu gọi thu hút đầu tư các khu thương mại dịch vụ trong tương lai như: Trung tâm thương mại và dịch vụ hỗn hợp cấp vùng tại khu vực phía bắc hồ Nam Sơn, tiếp giáp với QL20 và đường Phan Đình Phùng, khu thương mại dịch vụ phi thuế quan và logistics phía nam cảng hàng không Liên Khương, khu dịch vụ thương mại cấp vùng trong khu đô thị Đại Ninh…

Ngoài ra, tận dụng tối đa lợi thế địa lý, khai thác hiệu quả thế mạnh về giao thông để phát triển các loại hình thương mại dịch vụ như: logistic, vận tải, khách sạn, nhà hàng… du lịch sinh thái, bảo tồn làng nghề truyền thống. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ công chức tham mưu quản lý hoạt động ngành thương mại dịch vụ từ cấp huyện cho đến các xã. Tập trung ổn định trật tự kinh doanh đảm bảo văn minh thương mại, vệ sinh môi trường và đảm bảo hoạt động tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đạt hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.