Đức tăng đầu tư vào AI trong cuộc đua với Trung Quốc, Mỹ

24/08/2023 14:41 GMT+7

Đức đang tăng gần gấp đôi vốn đầu tư công cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) lên gần 1 tỉ euro trong hai năm tới, trong nỗ lực rút ngắn khoảng cách với các nước dẫn đầu là Trung Quốc và Mỹ.

Mục tiêu ngân sách trên vẫn là con số khiêm tốn so với khoản tiền 3,3 tỉ USD mà chính phủ Mỹ đã chi cho nghiên cứu AI vào năm 2022 theo báo cáo của Đại học Stanford (Mỹ), Reuters cho hay.

Đức tăng gần gấp đôi ngân sách vào AI trong cuộc đua với Trung Quốc, Mỹ - Ảnh 1.

Đức sẽ đầu tư gần gấp đôi ngân sách vào trí tuệ nhân tạo (AI)

Reuters

Việc đẩy mạnh đầu tư vào AI diễn ra khi Đức cố gắng vực dậy nền kinh tế thoát khỏi suy thoái trong khi hai ngành công nghiệp quan trọng là ô tô và hóa chất đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất xe điện mới nổi và chi phí nhiên liệu tăng cao.

Đức dự tính thành lập 150 phòng thí nghiệm mới tại các trường đại học để nghiên cứu AI, mở rộng các trung tâm dữ liệu và tạo khả năng tiếp cận hệ thống dữ liệu công cộng phức tạp để từ đó các kỹ thuật AI có thể đưa ra những hiểu biết mới: Một công việc quan trọng ở một quốc gia nơi giao dịch tiền mặt rất phổ biến và fax vẫn chưa tuyệt chủng.

Báo cáo của Stanford cho thấy chi tiêu cho AI từ khu vực tư nhân đang lấn át ở Mỹ, đạt 47,4 tỉ USD vào năm 2022, gần gấp đôi mức chi tiêu của châu Âu và vượt xa mức 13,4 tỉ USD của Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức Bettina Stark-Watzinger cho rằng khuôn khổ pháp lý mới nổi của châu Âu, vốn chú trọng vào quyền riêng tư và an toàn cá nhân, có thể thu hút người dùng đến Đức cũng như thúc đẩy hợp tác trong Liên minh châu Âu.

"AI của chúng tôi có thể giải thích được, đáng tin cậy và minh bạch. Đó là một lợi thế cạnh tranh", Bộ trưởng Stark-Watzinger cho biết. Bà nói thêm, việc đơn giản hóa các quy định sẽ thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu AI từ khu vực tư nhân.

Bộ trưởng Stark-Watzinger thừa nhận, số lượng công ty khởi nghiệp AI của nước này đã tăng gấp đôi vào năm 2023 nhưng điều đó vẫn chỉ đưa Đức lên vị trí thứ 9 trên toàn cầu trong lĩnh vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.