Đức Pháp vương Gyalwa Karmapa chia sẻ thông điệp về Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
24/01/2022 10:13 GMT+7

Ngài Thaye Dorje, Đức Pháp vương Gyalwa Karmapa thứ 17 đã có bức thư chia sẻ thông điệp về Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, nhắc lại mối lương duyên đặc biệt giữa Dòng truyền thừa Karma Kagyu với thiền sư và đưa ra thông điệp tiếp nối mạch nguồn Chánh - Pháp.

Ngày 22.1, trên trang web chính thức, Đức Pháp vương Gyalwa Karmapa thứ 17 Thaye Dorje đã có bức thư chia sẻ thông điệp khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch.

Thông điệp của Đức Gyalwa Karmapa thứ 17 trước thông tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch đăng trên trang của Ngài

Mở đầu bức thông điệp được viết tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 22.1.2022, Đức Gyalwa Karmapa thứ 17 Thaye Dorje viết:

"Các Pháp hữu thân mến,

Một trong những người thầy Phật giáo tôn kính nhất của thời đại chúng ta, Thích Nhất Hạnh, vừa từ bỏ thân xác của ngài.

Tôi muốn bày tỏ lời chia buồn của mình đến những người học với ngài ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới; nhưng đồng thời, tôi cũng muốn khuyến tấn tất cả chúng ta hãy tìm thấy niềm vui trước hành trạng siêu việt không gian và di sản siêu việt thời gian của ngài.

Sự kiện ngài giã từ cuộc đời này không có nghĩa ngài đã đi mất. Như tự thân ngài đã tuyên bố, “Chỉ vì ngộ nhận mà chúng ta cho rằng người chúng ta yêu thương đã không còn hiện hữu nữa sau khi "qua đời". Điều này vì chúng ta đeo bám một trong những hình tướng, một trong những phần ngoại biểu của người đó… Con người chúng ta yêu thương vẫn còn đó, vẫn ở quanh chúng ta, ở trong chúng ta và đang mỉm cười với chúng ta".

Thông điệp của Đức Gyalwa Karmapa thứ 17, Thaye Dorje, về Thiền sư Thích Nhất hạnh

Trong bức thông điệp, Đức Gyalwa Karmapa thứ 17 chia sẻ về mối lương duyên giữa Dòng truyền thừa Karma Kagyu với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. "Vì chính nhờ lòng từ bi của ngài mà ni chúng của chúng ta từ Dhagno Kundrol Ling đã được thọ trì cụ túc giới Tì-kheo-ni ở Làng Mai vào năm 1994. Vì thọ trì giới luật là nền tảng của tất cả công đức và trí tuệ cho nên không có sự cúng dường nào to lớn hơn sự truyền thừa Phật - Pháp".

Đánh giá về đóng góp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Đức Gyalwa Karmapa thứ 17 viết: "Đối với thế gian, tôi cảm nhận rằng đóng góp chính của ngài, trong quá khứ cũng như hiện tại, là việc thực hành đời sống tâm linh đích thực, không biên giới, không giới hạn".

Và từ sự ra đi của Thiền sư, ngài Thaye Dorje đưa ra thông điệp: "Sự kiện tâm linh không-biên-giới này không chỉ là các pháp âm; cũng không có nghĩa hòa quyện nhiều tôn giáo và truyền thống tâm linh khác nhau, để rồi tất cả đều đánh mất bản sắc của mình. Đúng ra, nhờ không tạo nên bất kỳ nan đề nào cho các tôn giáo và truyền thống khác, mà ngài đã nỗ lực làm hiển lộ và phản chiếu tánh thể của mọi tín điều người khác đang trì giữ; vì thế, tất cả đều nhận thấy những nét đặc thù cũng như dị biệt của chính mình đều được tôn trọng, được cảm thông, và được dung nạp. Và chính sự tôn trọng và dung nạp này, chính tâm thái “tất cả hãy giữ nguyên bản sắc của mình” này, đã khiến cho người khác liễu ngộ rằng rốt cùng tất cả chúng ta đều bình đẳng.

Bằng cách này, mọi vấn nạn sẽ lắng xuống, sẽ được hóa giải, và rồi thì ai ai cũng thấy được “sự thật”, hay bất cứ tên gọi gì chúng ta muốn.

Một hành hoạt như thế đều được tất cả những người theo Phật nhìn nhận là Phật-Pháp. Không có bất cứ điều gì chư vị Bồ-tát không dấn thân và học hỏi để làm vơi đi khổ đau của người khác, như Ngũ Minh và bất kỳ phương tiện xã hội nào, ngay cả chính trị học.

Đây là tất cả những gì Thầy Thích Nhất Hạnh đã làm. Phần còn lại là của chúng ta".

Đức Pháp Vương Gyalwa Karmapa thứ 17, Thaye Dorje

ẢNH TRÊN TRANG WEB CỦA NGÀI

Đức Pháp Vương Gyalwa Karmapa thứ 17, Thaye Dorje, sinh ngày 6.5.1983 ở miền trung Tây Tạng. Cha mẹ của ngài là Lạt Ma Nyingma vĩ đại Mipham Rinpoche và Dechen Wangmo. Karmapas là những nhà lãnh đạo của dòng Karma Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Vào tháng 3.1994, theo truyền thống 900 năm tuổi, Thaye Dorje được tôn phong là Karmapa thứ 17, trở thành Đức Pháp Vương của Phật giáo Tây Tạng. Hiện Đức Pháp Vương Gyalwa Karmapa thứ 17 đang ở Ấn Độ.

Cùng trong ngày 22.1, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi thư chia buồn trước tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, TP.Huế.

Hàng ngàn người cầu nguyện tại Lễ nhập Kim quan thiền sư Thích Nhất Hạnh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.