Đưa thơ lục bát vào truyện cổ Grimm

Ngọc An
Ngọc An
10/04/2022 07:30 GMT+7

“Em ơi che chắn lại đi/Để mưa không ướt một ly áo quần. Để khỏi gió bụi phong trần/Thì em lại đẹp bội phần gặp vua”.

Những câu thơ lục bát được dịch giả Nhật Vương sáng tạo trong bản dịch truyện Cô dâu trắng, cô dâu đen - Truyện cổ tích của anh em Grimm đã hút tôi vào cuốn sách.

Lật mở từng trang Truyện cổ tích của anh em Grimm (Jacob Grimm và Wilhelm Grimm) với bản dịch của Nhật Vương, tôi thích thú khi bắt gặp những câu thơ ở thể lục bát hoặc song thất lục bát gần gũi như thế.

Tranh minh họa truyện Hansel và Gretel - Truyện cổ tích của anh em Grimm do họa sĩ Hermann Vogel vẽ

Tạo dấu ấn với thể thơ của người Việt

“Văn bản gốc Truyện cổ của anh em Grimm không có nhiều thơ, có chăng khoảng 1, 2 câu và cũng không vần với nhau, đơn giản chỉ giống như những câu văn xuống dòng”, Nhật Vương nói. Tôi tò mò về lý do anh quyết định dùng thể thơ của người Việt trong bản dịch cuốn truyện cổ có giá trị lớn với văn học Đức, dịch giả 9X đáp: “Tôi tin mình cũng như nhiều đứa trẻ khác khi còn nhỏ chưa biết đọc, biết viết, nhưng đã có thể biết và thuộc những câu thơ lục bát hay song thất lục bát. Vậy tại sao mình không dịch sang thơ để độc giả là trẻ em dễ đọc, dễ nhớ”.

Những câu thơ trong bản dịch không hoa mỹ mà dân dã, mang đến sự thích thú, tươi mới và gần gũi cho người đọc: “Vịt ơi, vịt nhỏ hãy xem/Hansel cùng với Gretel đây mà/Suối này không ván bắc ngang/Vịt giúp chúng tớ, ơn mang suốt đời” (Hansel và Gretel). “Chim câu chim gáy mến yêu/Chị đang cần đến các em nhiều nhiều/Đậu ngon thì bỏ vào niêu/Đậu xấu thì bỏ vào diều chim ơi”, “Cây ơi, cây lắc cây rung/Áo vàng áo bạc thả tung xuống nào” (Cô bé Lọ Lem). “Chim đeo vòng đỏ hót vang/Thương cho phận mỏng, thiếp chàng biệt ly/Bồ câu thác xuống tuyền đài/Tình này chưa trả, hót hoài chim ơi” (Jorinde và Joringel), hay “Tôi đây, lão chài Tim-pe-te/Hỡi cá thờn bơn, dưới thủy tề/Vợ tôi, bà Il-se-bill/Cứ đòi những điều, tôi chẳng muốn xin” (Ông lão đánh cá và bà vợ).

Bàn ăn trong bếp tại ngôi nhà ở Steinau nay đã trở thành Bảo tàng Grimm

Nhật Vương không giấu việc dùng thơ lục bát và song thất lục bát là cách anh muốn đóng góp, để lại dấu ấn riêng cho bản dịch. “Dịch lại một tác phẩm đã quen thuộc, mà chỉ giống những bản dịch cũ thì chả có lý do gì để độc giả tìm mua khi họ đã có sẵn ở nhà”, anh cười, nói. Thú vị là Nhật Vương dịch truyện cổ Grimm không phải theo bất kỳ đơn đặt hàng của nhà xuất bản hay công ty sách nào, mà hoàn toàn theo sở thích cá nhân. “Dịch truyện sang thơ có khó?”, tôi hỏi. Chàng dịch giả hiện học tập tại Đức cho hay: “Tôi yêu thơ nên việc dịch thơ cũng không quá khó khăn. Nhưng công việc này thường tùy vào cảm hứng. Có những đoạn vừa đọc tiếng Đức lên đã ra ngay tiếng Việt, tôi cứ thế gieo vần. Như khổ thơ trong truyện Ông lão đánh cá và bà vợ khá đặc biệt ở chỗ vần thơ tiếng Việt gieo theo vần “ê” và “in” giống với văn bản gốc tiếng Đức. Khó nhất là truyện Cô bé Lọ Lem vì nhiều thơ hơn cả. Lúc dịch xong hết các truyện khác rồi, mà vẫn chưa nghĩ ra được thơ cho truyện này, tôi để đó. Vài tháng sau, trong chuyến du lịch, lúc đang ngồi trong công viên, đầu tôi tự nhiên nảy ra tứ thơ và cứ thế viết ra”.

“Giải mã” truyện cổ Grimm

“Anh em nhà Grimm không chỉ là những người sưu tầm truyện cổ tích bình thường mà còn là nhà nghiên cứu về dân tộc học, nhân chủng học, văn học. Cuốn từ điển tiếng Đức của nước Đức đầu tiên do anh em Grimm viết. Dù mới hoàn thành khoảng 1/4 bảng chữ cái thì họ qua đời, nhưng việc soạn từ điển đã là minh chứng cho thấy họ là những người rất giỏi về mặt văn học, ngôn ngữ”, Nhật Vương lý giải.

Những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ trong truyện cổ Grimm không phải là yếu tố đầu tiên kéo Nhật Vương đến quyết định “giải mã” truyện cổ Grimm, mà ở những bức tranh minh họa cho truyện của họa sĩ người Đức Hermann Vogel - học trò xuất sắc của danh họa Ludwig Richter.

Tranh minh họa của họa sĩ Alexander Zick trong bản in năm 1890

“Sinh thời, hai anh em Grimm không cho phép họa sĩ nào minh họa bản in của họ, ngoại trừ người em út trong nhà (Ludwig Emil Grimm). Từ bản in đầu tiên vào năm 1812 đến bản in cuối cùng có sự chỉnh sửa và giám sát của hai ông vào năm 1857, cũng chỉ có 7 tranh minh họa của người em út. Sau này, khi hai ông qua đời, bản quyền truyện cổ Grimm không còn nữa, các họa sĩ đã ồ ạt vẽ tranh minh họa. Thế kỷ 19, 20 cũng chính là giai đoạn nở rộ tranh minh họa cho truyện cổ Grimm”, Nhật Vương nói.

Năm 2018, Nhật Vương có chuyến hành trình tìm tới quê hương của anh em Grimm ở thị trấn Hanau gần thành phố Frankfurt. Ngôi nhà hai anh em Grimm lớn lên cùng bố mẹ và 7 người anh em khác đã bị bom phá hủy trong chiến tranh, chỉ còn lại ngôi nhà ở Steinau mà họ từng có thời gian làm việc, nay trở thành Bảo tàng Grimm. Nội thất trong căn phòng bếp cùng những đồ đạc như tủ kính, bộ bàn ghế, tách trà, bát đĩa… được giữ nguyên. Bên cạnh những bản in của truyện cổ Grimm còn có những bức tranh minh họa của các họa sĩ trên khắp thế giới.

“Tôi vui sướng khi nhận ra những bức của Hermann Vogel, họa sĩ theo trường phái hậu lãng mạn. Trong số rất nhiều họa sĩ minh họa truyện cổ Grimm, Vogel mang phong cách đặc trưng rõ nét. Điều này cũng có thể nhận ra trong tranh minh họa của ông ở nhiều truyện cổ tích, truyện đồng dao khác”, anh nhìn nhận. Lùng tìm mua trên mạng, trong những cửa hiệu sách cũ, hay từ nhà sưu tầm, Nhật Vương đã có 5 ấn bản truyện cổ Grimm với tranh minh họa của Hermann Vogel ở lần in đầu tiên cho đến lần in thứ 5. Anh muốn độc giả Việt Nam được thưởng lãm cả những hình ảnh minh họa sinh động, có khi khiến người xem bật cười với ý đồ dí dỏm của họa sĩ Hermann Vogel - điều gần như chưa xuất hiện trong bản dịch nào đã xuất bản trong nước.

Chàng sinh viên cao học chuyên ngành văn hóa ngôn ngữ tại Đại học Hamburg (Đức) nhận mình ngoài truyện cổ còn mê cả văn hóa truyền thống của Việt Nam. Nhật Vương yêu thích và dành nhiều thời gian tìm hiểu tranh Đông Dương, đồ thêu truyền thống của Việt Nam. Ở trường đại học, anh đang thực hiện nghiên cứu về ý nghĩa phong tục tập quán Tết Trung thu xưa cùng những đồ chơi dân gian vào dịp này được làm bằng giấy, gỗ của người Việt mà trước tiên là đầu sư tử. “Tôi rất ngạc nhiên vì ở Đức, nhiều người chưa nhận thức rõ ràng về Việt Nam. Họ chỉ biết đồ ăn ngon, áo dài, nón lá, hoặc chiến tranh tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều giá trị văn hóa khác gần như không được biết tới”, anh nói. Đó cũng là điều mà dịch giả 9X này muốn thay đổi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.