Đưa tên lửa đến Ba Lan có khiến NATO can dự trực tiếp vào xung đột Ukraine?

24/11/2022 14:00 GMT+7

Đức sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không đến miền đông Ba Lan giáp với Ukraine, nhưng việc hệ thống này có phóng tên lửa qua Ukraine để ngăn chặn vũ khí Nga hay không còn là dấu hỏi.

Đức và Ba Lan đầu tuần này thông báo sẽ triển khai hệ thống tên lửa Patriot đến Ba Lan. Đại tá Michal Marciniak quản lý mảng phòng không tại Bộ Quốc phòng Ba Lan nói với hãng thông tấn PAP rằng hệ thống đầu tiên đã đến Ba Lan và đang được thử nghiệm. Tuy nhiên, ông nói rằng sẽ cần vài năm huấn luyện và các hệ thống này sẽ chưa hoạt động đầy đủ đến năm 2024 hoặc 2025.

Hệ thống tên lửa được triển khai sau vụ tên lửa bay lạc xuống ngôi làng Przewodow ở miền đông Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng ngày 15.11. Dù vụ việc được xác nhận không phải là một cuộc tấn công của Nga vào một nước NATO, mà có thể là tên lửa phòng không của Ukraine bay lạc, nhưng cho thấy mối nguy về việc xung đột tại Ukraine có thể lan rộng ra khu vực và khiến Ba Lan và đồng minh phải có phương án đề phòng sự cố này tái diễn.

Nhà kho ngũ cốc ở Przewodow bị trúng tên lửa

Shutterstock

Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống Patriot tại Ba Lan có thể khiến NATO bị lôi vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga tại Ukraine hoặc có thể đẩy khối này vào một “vùng xám” tiềm ẩn rủi ro, theo tờ The New York Times. “Điều gì sẽ xảy ra nếu radar của chúng tôi cho thấy rốc két đang bay đến và cần được ngăn chặn trong lãnh thổ Ukraine?”, chuyên gia Jacek Bartosiak của nhóm nghiên cứu an ninh Chiến lược và Tương lai (trụ sở Warsaw, Ba Lan) nói.

Đưa tên lửa đến Ba Lan có khiến NATO can dự trực tiếp vào xung đột Ukraine?

Có lẽ nhận thức được nguy cơ này nên Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 23.11 gợi ý Đức nên chuyển thẳng hệ thống Patriot đến Ukraine thay vì đưa đến miền đông Ba Lan như đề nghị của ông trước đó. Ông Blaszczak cho rằng hệ thống sẽ giúp Ukraine ngăn chặn trực tiếp tên lửa Nga, đồng thời tăng cường an ninh cho Ba Lan dọc biên giới hai nước.

Theo giải thích của chuyên gia Bartosiak, máy bay Nga không còn bay đến các khu vực miền tây Ukraine giáp với Ba Lan, nên không còn nguy cơ thật sự về việc chúng vô tình bị tên lửa từ lãnh thổ Ba Lan bắn trúng. Bên cạnh đó, tên lửa của hệ thống Patriot chỉ có tầm bắn khoảng 32 km nên sẽ không bay tới các khu vực tác chiến của không quân và lục quân Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông Bartosiak thừa nhận có khả năng "tên lửa Patriot hoạt động trong không phận Ukraine", gây tổn hại cách tiếp cận "không nhúng tay" vào xung đột của NATO, cũng như ảnh hưởng đến cam kết của khối về việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine nhưng vẫn bằng mọi giá tránh đưa lực lượng đến Ukraine, điều có thể bị Nga coi là cái cớ để leo thang.

Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ tại trung tâm huấn luyện quân sự ở Torun, Ba Lan hồi tháng 10

Shutterstock

Đến nay, Nga chưa bình luận gì về việc Đức sẽ triển khai hệ thống Patriot đến Ba Lan, dự kiến hoạt động một phần từ tháng 8.2023. Nhưng những năm qua Moscow đã phản đối việc Mỹ đưa tên lửa đến Ba Lan, dù Washington nhấn mạnh chỉ nhằm ngăn ngừa tên lửa đạn đạo của Iran. Trong khi đó, giới theo dõi quân sự của Nga cáo buộc NATO đang lấy vụ tên lửa rơi ở Ba Lan để làm cái cớ cho việc triển khai tên lửa gần Ukraine nhằm giúp nước này bắn hạ vũ khí Nga.

Đức sẽ đưa tổ hợp phòng không Patriot đến biên giới Ba Lan-Ukraine sau vụ nổ tên lửa

Phát ngôn viên Oana Lungescu của NATO cho biết liên minh hoan nghênh đề nghị của Đức với Ba Lan và nhấn mạnh rằng tên lửa Patriot chỉ nhằm bảo vệ lãnh thổ liên minh. Trước đó, Đức đã đưa Patriot đến Slovakia, một nước có biên giới với Ukraine, trong khi Mỹ hồi tháng 4 triển khai một hệ thống Patriot tại sân bay Rzeszow ở Ba Lan, trung tâm vận chuyển vũ khí từ phương Tây sang Ukraine.

Hiện chưa rõ bên nào sẽ vận hành hệ thống Patriot sắp tới nhưng theo quy trình của NATO thì nhiều khả năng là Đức chứ không phải Ba Lan. Người Mỹ cũng đang vận hành hệ thống Patriot tại sân bay Rzeszow. Đại tá Marciniak của Ba Lan cho biết nhiệm vụ chính của hệ thống Patriot của Đức là bảo vệ các trung tâm dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng và đơn vị quân sự, nhưng ông không trả lời câu hỏi liệu điều đó có đồng nghĩa với việc hệ thống sẽ phóng tên lửa qua không phận Ukraine hay không.

Hệ thống tên lửa Patriot tại Torun

Shutterstock

Lãnh đạo Ukraine từ khi xung đột bùng phát đã kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine nhưng bị NATO từ chối vì nguy cơ máy bay của phương Tây và Nga đụng độ nhau. Ba Lan cũng như cả NATO tuy vẫn muốn Ukraine giành chiến thắng nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định khi không muốn can dự trực tiếp vào xung đột. Điều này được thể hiện rõ sau vụ rơi tên lửa tại Przewodow. Trong lúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng đó là cuộc tấn công của Nga và NATO cần phản ứng cứng rắn thì Ba Lan nhanh chóng lên tiếng rằng vụ việc nhiều khả năng là "tai nạn không may", không phải là "cuộc tấn công có chủ đích".

NATO nỗ lực củng cố năng lực quân sự ở châu Âu vì cuộc xung đột Ukraine

“Ông Zelensky muốn NATO liên can còn chúng tôi muốn tránh xa", chuyên gia an ninh Robert Czulda tại Đại học Lodz (Ba Lan) bình luận. Ông nói: "Chúng tôi muốn Ukraine thắng, nhưng ưu tiên của chúng tôi là giữ an toàn cho lãnh thổ Ba Lan và NATO. Chúng tôi vui vẻ hỗ trợ và chuyển giao vũ khí cho Ukraine nhưng không có sự thảo luận nào về việc can dự trực tiếp. Không ai ở đây muốn điều đó”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.