Đưa Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm quốc tế

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/11/2022 11:56 GMT+7

.

Tại hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho biết, nghị quyết đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 3 trọng tâm là phát triển khoa học công nghệ; phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại.

Tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Theo ông Trần Tuấn Anh, về thể chế, chính sách, Nghị quyết 30 yêu cầu nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, tạo nguồn lực, động lực phát triển mới cho thủ đô, Vùng thủ đô và toàn Vùng. Cạnh đó, thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Về phát triển kinh tế, Nghị quyết 30 yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát huy vai trò đầu tàu, động lực của các tỉnh, thành phố trong vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh.

Nghị quyết 30 cũng yêu cầu phát triển Vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Trong đó thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; TP.Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Bên cạnh đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng; Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.

Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng…

Phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại

Nghị quyết 30 cũng đề ra yêu cầu phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại. Trong đó, hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia; khẩn trương hoàn thành các tuyến metro tại thủ đô Hà Nội; nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc...

Ngoài ra, theo ông Trần Tuấn Anh, Nghị quyết 30 cũng yêu cầu phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Vùng. Theo đó, tập trung phát triển Vùng trở thành trung tâm KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu cả nước. Cùng đó là phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Đây là nhóm nhiệm vụ quan trọng để phát huy lợi thế của Vùng về yếu tố con người và nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Ông Trần Tuấn Anh cũng cho hay, Nghị quyết 30 đặt ra các nhiệm vụ trong việc phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đồng thời tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, để thực hiện các mục tiêu đặt ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.