Về Bình Định đừng quên làng nem Chợ Huyện

Đào Đức Tuấn
Đào Đức Tuấn
06/06/2019 20:06 GMT+7

Giữa đường chu du xứ nẫu Bình Định, nhắm miếng nem Chợ Huyện ngon ngót, đậm đà với chén rượu Bàu Đá. Thật khinh khoái với đặc sản nơi quê hương ông tổ nghệ thuật tuồng Đào Tấn…

Thần sầu nem chua lá ổi

Làng nem Chợ Huyện thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định). Hương vị nem nơi đây đã lâu rồi vang xa như là “đại biểu” nem miền Trung, với phong cách đậm đà, ý vị của đồng đất xứ Nẫu. Tôi về Chợ Huyện theo lời rủ rê của anh bạn thổ địa.

Cơ sở Bốn Lai là một trong những địa chỉ sản xuất nem lâu đời nhất ở Chợ Huyện. Vợ chồng cô chủ trẻ Trần Như Tuyền là đời thứ 3 của gia tộc kế thừa thương hiệu nem Bốn Lai. Mỗi ngày, với hàng chục nhân công, cơ sở này chế biến hàng trăm kg các loại nem chua, chả lụa, chả bò, chả dăm, chả bầu, tré…

Mùa làm hàng Tết thì lượng sản phẩm gấp 4 - 5 lần ngày thường, mới đủ cung ứng cho các mối đặt hàng; nhất là nem chua, phải ra trên 10.000 chiếc nem mỗi ngày. Tấp nập các công đoạn chọn nhập thịt heo, bò, lá chuối, lọc rã thịt, gia vị, quết, gói nem… từ sớm đến khuya ở cơ sở Bốn Lai.

Theo chị Tuyền, nguyên tắc để giữ tiếng lò nghề là phải chọn các loại thịt và nguyên phụ liệu loại tuyệt hảo nhất. Để có miếng nem ngon, khâu quan trọng là liều lượng gia vị hợp lý, vừa miệng nhất với đa số người ăn. Khác biệt của nem Chợ Huyện là việc dùng lá ổi để gói nem; lá ổi tươi hái từ vườn, được lau từng chiếc bằng khăn sạch (nếu rửa bằng nước vì sẽ mất vị thơm của lá). Chính lá ổi góp phần hút ẩm, làm khô ráo chiếc nem, và lá ổi cũng là một thảo dược hỗ trợ tiêu hóa “thần sầu”. Nem được gói xong khoảng 3 - 4 ngày thì có thể đem ra thưởng thức.
Một góc mâm đặc sản nem, thịt nướng Chợ Huyện 
Chị Trần Như Tuyền và sản phẩm nem, tré gia truyền Bốn Lai, Chợ Huyện ĐÀO ĐỨC TUẤN

“Giữ chữ tín khó lắm nên gia tộc luôn dặn nhau ngày càng nâng cao chất lượng từng chiếc nem. Ví như, có thể tăng tiền công nhưng không thể chấp nhận chuyện “véo” bớt thịt ở mỗi chiếc nem. Chẳng hạn, 10 chiếc nem (chưa gói lá) là 1,4 lạng thịt, nếu bị “ngắt, véo” sẽ còn chỉ 1 lạng. Mối hàng, khách sành điệu họ tinh ý lắm…”, chị Tuyền nói.

Nồng nàn làng phố ẩm thực

Khoảng 1 cây số dọc quốc lộ 19 ở trung tâm Chợ Huyện bây giờ đã hình thành một phố ẩm thực “đối chứng” đông vui. Theo UBND xã Phước Lộc, phố nem chả Chợ Huyện đã hình thành từ lâu nhưng trở nên bài bản, sầm uất trong khoảng mươi năm trở lại đây. Xung quanh phố ẩm thực đã hình thành các vệ tinh cung cấp thịt heo, bò, rau, gia vị và hàng loạt nguyên phụ liệu “ngành” nem, chả, tré, bánh cuốn, bún thịt nướng.

Nồng nàn dĩa tré Chợ Huyện ĐÀO ĐỨC TUẤN
Một góc mâm đặc sản nem, thịt nướng Chợ Huyện ĐÀO ĐỨC TUẤN

Với trên 20 cơ sở sản xuất nem chả gia truyền và hàng trăm cơ sở ẩm thực đặc sản, phố nem Chợ Huyện đã thành điểm đến thú vị của du khách. Chính quyền địa phương tạo điều kiện để người dân thuận lợi mở mang làm ăn, thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm “giữ tiếng” thương hiệu lớn của đất Bình Định.

Rất nhiều gia đình làng nghề đã nắm bắt cơ hội làm ăn, thu nhập ổn định, đời sống khá giả lên trông thấy. Nhiều người gốc Tuy Phước đã trở về đầu tư sản xuất kinh doanh đặc sản, liên kết đưa nem Chợ Huyện - rượu Bầu Đá đến các đại lý chi nhánh trong và ngoài nước. 

Theo nhà nghiên cứu Ngô Hồng Sơn (Bình Định), vùng Chợ Huyện xa xưa là nơi tập trung khá đông các gia tộc quyền quý, dần phát sinh nhu cầu “ăn ngon”, quy tụ đặc sản đất võ. Thế là những vắt nem dân dã xứ Nẫu được “đào sâu, nâng cấp” hình thành nên tiếng vang của thương hiệu nem Chợ Huyện. Cứ thế thăng trầm, gìn giữ qua bao nhiêu nắng mưa lịch sử.

Phố ẩm thực Chợ Huyện giờ đây đã trở thành điểm đến mỗi ngày của người dân Bình Định và khách du khắp nơi. Với vị trí cách thành phố Quy Nhơn chưa đầy 20 km, nằm kề thị xã An Nhơn, Chợ Huyện dập dìu thực khách mỗi ngày, đặc biệt là những dịp cuối tuần, lễ tết. Nhất là từ khi các điểm lưu niệm về danh nhân Đào Tấn ở Phước Lộc đang được chú trọng tôn tạo… 

Thu thập xong tư liệu, nhóm chúng tôi ghé vào “thực tế” tại một quán đặc sản Chợ Huyện cạnh Quốc lộ 19. Nem chua, chả lụa, tré, thịt nướng, rau sống, bánh tráng, thơm nức bắt mồi “chịu hổng thấu”. Nhiều món không hề có đường nhưng cứ ngọt lừ, ngon ngót. Ai đó chợt cảm khái một câu thơ Đào Tấn giữa lâng lâng đất võ trời văn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.