Trâu đất mộc mạc đậm chất đồng quê của người miền Tây đón Tết Tân Sửu

10/02/2021 11:06 GMT+7

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều người miền Tây tranh thủ tạo hình trâu đất để tái hiện khung cảnh đồng quê Việt Nam yên bình.

Không bắt mắt, hoành tráng như những mô hình xuất hiện ở đường hoa xuân, nhưng mô hình trâu của người miền Tây làm từ những chất liệu tự nhiên lại trở nên gần gũi và sống động.
Những ngày giáp tết, trong khuông viên Thánh đường Thái Hải (tọa lạc ven QL1, thuộc P.Hiệp Thành, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang), nhiều người tất bật hoàn thiện các công đoạn tạo hình trâu từ đất trộn với trấu và rơm. Trên lưng trâu có mô hình người nông dân mặc áo bà ba nâu, đội nón lá tái hiện khung cảnh đồng quê Việt Nam yên bình khiến ai cũng bồi hồi nhớ lại khoảng trời tuổi thơ gắn bó với ruộng đồng.

Mô hình trâu được các tín đồ tại thánh đường Thái Hải thực hiện những khâu cuối cùng.

ẢNH: DUY TÂN

 

Trâu được làm bằng khung sắt và dùng đất đắp lên.

ẢNH: DUY TÂN

Ông Nguyễn Thông (45 tuổi) một tín đồ trong đạo, cho biết những năm trước ít khi nào thánh đường làm mô hình linh vật để đón tết. Tuy nhiên, đến Tết Nguyên đán năm nay, Cha xứ quyết định làm mô hình, bởi hình ảnh con trâu là “bạn nhà nông” gần gũi với mọi lứa tuổi. Ngoài ra, có thể dùng để hướng dẫn các con em trong đạo về loài vật vô cùng gần gũi và gắn bó với làng quê Việt Nam.
 

Người làm sử dụng tay để đắp đất và sử dụng cây bay để trát cho phần đất thật lán mịn.

ẢNH: DUY TÂN

Để thực hiện mô hình trâu này, ông Thông cùng một số anh em trong đạo lên ý tưởng về hình thể rồi làm khuôn sao cho giống với tỷ lệ thật nhất của trâu đực, trâu cái, lẫn trâu con. Sau khi làm khuôn, ông Thông đào đất sình trộn với rơm khô và tro trấu để tạo nên hỗn hợp cứng và nhanh khô rồi tiến hành đắp “thịt” cho trâu.

Từng bộ phận của trâu đều được chau chuốt kỹ lưỡng.

ẢNH: DUY TÂN

Trâu được đắp 2 lớp đất mới hoàn thiện.

ẢNH: DUY TÂN

“Mô hình trâu được làm từ 2 lớp đất. Sau khi đắp lớp đầu tiên, đợi đến khi khô sẽ tiến hành đắp lớp thứ 2 và làm hoàn toàn thủ công. Chỉ sử dụng tay đắp và dùng cây bay để trán cho đất lán. Tùy theo kích cỡ trâu sẽ mất thời gian từ 1 - 2 ngày mới hoàn thiện. Riêng phần mắt được trau chuốt kỹ lưỡng để trâu trông giống nhất có thể”, ông Thông nói.

Hình ảnh người nông dân chăn trâu và cưỡi trâu ra đồng vô cùng chân thật.

ẢNH: DUY TÂN

Mô hình trâu được dùng để hướng dẫn các con em trong đạo về loài vật vô cùng gần gũi và gắn bó với làng quê Việt Nam

ẢNH: DUY TÂN

Anh Nguyễn Minh Đang (28 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) chia sẻ: “Khác với những mô hình trâu được làm từ những chất liệu nhân tạo và tô vẽ màu sắc, trâu tại Thánh đường Thái Hải khiến tôi cảm nhận được chất mộc mạc từ hình ảnh đến chất liệu, kích thước trâu tương đồng với trâu thật và mang ý nghĩa đồng quê rất gần gũi với người miền Tây”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.