TP.HCM liên kết du lịch Tây Bắc: Vực dậy giữa 'bão Covid'

14/11/2020 08:00 GMT+7

Chiều nay (14.11.2020), tại TP.Việt Trì (Phú Thọ) Hội nghị Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 chủ đề “Liên kết phát triển bền vững” để các địa phương bắt tay, tìm cách tháo gỡ nhằm vực dậy ngành du lịch trong suốt 1 năm “ngủ đông” vì Covid-19.

Liên kết du lịch TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn khi đi du lịch

Liên kết du lịch TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn khi đi du lịch

Ảnh: T.Trung

Phải liên kết

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận liên kết là xu hướng tất yếu và cần thiết để tạo ra sự bứt phá, vươn lên cùng nhau phát triển. Sự liên kết trong ngành du lịch TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc (Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ) càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh 10 tháng đầu năm 2020, tổng lượng khách đến TP.HCM là 14,3 triệu lượt (giảm 58% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế chỉ 1,3 triệu (giảm 81%). Ông Phong đánh giá thế mạnh của Tây Bắc là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, đa dạng về bản sắc văn hóa, thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp và sản vật đặc sắc tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh sinh thái hấp dẫn. Trong khi đó, sản phẩm chủ lực của TP.HCM là du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện, du lịch mua sắm, ẩm thực, giải trí và văn hóa.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết đây sẽ là cơ hội để mở ra một giai đoạn mới trong ngành du lịch của 9 địa phương. Để thúc đẩy du lịch của từng địa phương, ông Phong cho rằng cần đẩy mạnh hình thành những sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ, khai thác tối đa những lợi thế du lịch của các tỉnh, phù hợp với bối cảnh thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, nước ngoài vào hệ thống kết cấu hạ tầng; cùng nhau quảng bá, truyền thông để tạo ra những sản phẩm chung; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo tính bền vững, gắn phát triển du lịch với an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản. “Với những tiềm năng và thế mạnh, TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc có nhiều cơ hội cùng nhau phát triển ngành du lịch, bổ trợ cho nhau tạo ra nhiều chương trình du lịch đặc sắc mang đến cho du khách, người dân những trải nghiệm tuyệt vời khám phá VN”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Phát huy tiềm năng du lịch

Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ thảo luận, ký kết Thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết. Ngoài ra, thỏa thuận hợp tác giữa hiệp hội du lịch các địa phương và các hãng hàng không, giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với các nội dung cụ thể, thiết thực: chính sách giá ưu đãi, phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề, hỗ trợ quảng bá sản phẩm lẫn nhau cũng được ký kết với sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, Bộ VH-TT-DL và các tỉnh, TP.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nhận xét với tiềm năng, thế mạnh, không gian địa lý của Tây Bắc thì phát triển du lịch còn khiêm tốn. “Nếu đặt trong tương quan tổng lượng khách, tổng thu từ khách du lịch đến VN thì những con số của du lịch Tây Bắc mở rộng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do vậy, bên cạnh liên kết nội vùng, các tỉnh Tây Bắc rất cần liên kết hợp tác phát triển du lịch với những địa phương là trung tâm du lịch của cả nước như TP.HCM, Hà Nội..., nhằm nâng cao năng lực, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù...”, ông Bùi Văn Quang nhấn mạnh.
Hiện TP.HCM cơ bản đã hoàn thành chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, trong đó liên kết vùng là một trong những giải pháp trọng tâm. Vì vậy, sau khi liên kết với các địa phương, TP.HCM sẽ nối kết các liên kết này với nhau để phát triển du lịch liên vùng, du lịch nội địa.
Với những tiềm năng và thế mạnh, TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc có nhiều cơ hội cùng nhau phát triển ngành du lịch, bổ trợ cho nhau tạo ra nhiều chương trình du lịch đặc sắc nhằm mang đến cho du khách, người dân những trải nghiệm tuyệt vời để khám phá VN - Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.