Thu ở Trà Sư

20/09/2019 07:30 GMT+7

Sự kỳ thú của thiên nhiên luôn mang lại nguồn cảm hứng bất tận cho con người. Rừng tràm Trà Sư (H.Tịnh Biên, An Giang) khiến chúng ta biết trân trọng và bảo tồn những gì đất trời phương Nam đã ban tặng.

Nắng hè chói chang và những cơn mưa thu càng nuôi dưỡng sự tốt tươi cho nơi quần tụ của khoảng 140 loài thực vật, hàng trăm loài động vật quý hiếm và côn trùng các loại. Rừng tràm Trà Sư hiện lên giữa cánh đồng lúa bạt ngàn, xa xa là dãy Thất Sơn linh thiêng thấp thoáng trong sương khói. Không gian đầy ắp huyền thoại càng làm du khách thập phương bị quyến rũ bởi Trà Sư...

Trải nghiệm thú vị tại “bảo tàng” tràm

Du khách nao lòng trước Trà Sư mùa nước nổi

Du khách nao lòng trước Trà Sư mùa nước nổi

Ảnh: Điền Quân

Chỉ là đi xuồng máy ngắm cảnh rừng tràm thôi nhưng có đến hàng trăm tấm hình ở nhiều góc độ khác nhau được chụp bởi những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và du khách. Mỗi bức ảnh thể hiện cách cảm nhận về vẻ đẹp khó tả của khu rừng tràm nguyên sinh.
Từ bến thuyền - nơi có chuỗi lâu đài bồ câu như một nghi thức lễ tân hết sức đặc biệt, du khách sẽ được di chuyển đến cửa rừng bằng phương tiện xuồng máy. Tốc độ không quá nhanh cũng không quá chậm đủ để mọi người “thưởng thức” cách trải nghiệm vô cùng thú vị ngay khi vừa đặt chân đến Trà Sư.
Xuôi theo dòng kênh quanh co, chiếc xuồng máy đưa du khách xuyên qua những tán tràm cổ thụ nghiêng mình soi bóng trên mặt nước trong veo. Từng chùm dây leo sống bám vào thân tràm già như chứng minh tính bền chặt của sự cộng sinh trong thế giới muôn loài để tồn tại. Du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước sự đa dạng của thiên nhiên ở rừng tràm đặc dụng này. Trước khi tiến sâu vào lõi rừng, du khách được hướng dẫn viên tư vấn nên chuyển sang xuồng chèo tay để tiện cho việc khám phá nét đặc trưng của tâm rừng.
Để mục sở thị hết “tài nguyên” của vùng lõi thì điều quan trọng nhất tránh tiếng ồn, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống vốn rất yên bình của những loài lông vũ quý hiếm. Do vậy, xuồng chèo tay là giải pháp thích hợp để du khách dễ dàng “chạm” đến những vẻ đẹp sinh động ở khu vực này. Những tổ chim - cò đeo bám trên nhánh tràm, ngọn tràm. Những con cuốc cao, điêng điểng, cồng cộc, cò lạo chấp chới chuyền cành. Những loài ong bướm đủ màu sặc sỡ thi nhau vờn quanh từng chùm bông tràm trắng thơm bảng lảng lay động lòng người…
Trà Sư với vẻ đẹp nguyên sơ làm say đắm lòng người

Trà Sư với vẻ đẹp nguyên sơ làm say đắm lòng người

Ảnh: Điền Quân

“Bản giao hưởng” của rừng

Tiếng gió thổi - tiếng chim hót - mái chèo khua nhẹ vào làn nước tạo nên “bản giao hưởng” mang tên Trà Sư. Phượt nhẹ nhàng trên chiếc xuồng chèo tay, du khách sẽ tận hưởng những cung bậc cảm xúc rất lạ về Trà Sư.
Đã có hàng triệu du khách đến tham quan và trong số đó có rất nhiều người quay lại nhiều lần để thả hồn vào không gian thanh bình bát ngát, hít thở không khí trong lành của lá phổi xanh giữa đồng bằng. Đắm chìm trong cảm giác rất phiêu bồng trên sóng nước phủ xanh thảm nhung bèo sẽ là những ấn tượng không quên.
Càng thú vị hơn khi trải nghiệm trên những con đường dài hun hút len lỏi giữa hai hàng tràm xanh rợp mát bằng cách tản bộ hay đạp xe. Những giỏ hoa không chạm đất treo lủng lẳng trên thân tràm. Những bè hoa rở nộ khoe hương sắc hoang dã dập dềnh trên sóng nước Trà Sư. Hàng trăm chú chim bồ câu rừng vô tư bay là đà như là khúc nhạc thiên nhiên thật năng động trên những thanh âm vi vu không dứt.
Trải nghiệm cuối cùng sẽ mang lại thông điệp đẹp về một Trà Sư “níu giữ” chân người, đó là thưởng thức đặc sản. Đọt dương xỉ xanh non tơ, đọt choại, rau tai tượng, thân cù nèo, rau muống đồng, bông điên điển, cá, tôm, cua, tép… được chế biến thành hàng chục món ăn đậm đà hương vị khiến mọi người “hao cơm” sau những khoảng khắc phiêu bồng cùng cảnh sắc Trà Sư.
Mùa thu trên con đường xanh Trà Sư ắp đầy tiếng gió thổi, tiếng chim hót lảnh lót vang xa đã đi vào cõi nhớ của bao du khách. Trà Sư đẹp bốn mùa với những sắc màu lung linh và đã trở thành “avatar” khi nói về du lịch An Giang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.