Thơ mộng Quy Hòa

17/04/2013 04:00 GMT+7

Trong lời bài hát Hàn Mặc Tử của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có đoạn: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa...”. Đoạn dốc đá đó, có lẽ chính là con đường dẫn vào làng phong Quy Hòa cách đây mấy mươi năm.

Bây giờ, con dốc năm xưa không còn đá nữa mà đã là con đường được trải nhựa chạy quanh co khoảng 2 km, nối từ quốc lộ 1D vào đến Quy Hòa, thuộc P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn (Bình Định).

Quy Hòa có diện tích khoảng 60 ha, nằm trong thung lũng ba bề núi và cây xanh bao phủ, mặt quay ra bờ biển Quy Nhơn yên bình sóng vỗ. Nhiều tài liệu ghi rằng: Vào khoảng năm 1929, một linh mục người Pháp có tên Paul Maheu đã phát hiện ra sự yên bình vắng lặng hiếm có của vùng đất này và ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa. Năm 1932, bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài.

Ngoài bệnh viện, trong khuôn viên Quy Hòa còn có nhà thờ, nơi ở của các nữ tu và hơn 200 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong định cư. Mấy mươi năm trôi qua, Quy Hòa luôn là một trong những bệnh viện nổi tiếng, độc đáo và là một trong những thắng cảnh đẹp của nước ta.

Ngày nay, du khách đến thăm Quy Hòa sẽ có cảm nhận đây là chốn yên bình và thơ mộng. Sau khi xuống hết đoạn dốc thoai thoải là một vùng đất bằng phẳng với những xóm nhà trong chập chùng màu xanh của cây trái. Người dân ở đây đa số là những bệnh nhân ngày xưa đến điều trị bệnh và định cư dài lâu. Bên cạnh đó, còn có một số người từ trung tâm TP.Quy Nhơn vì yêu thích khung cảnh yên bình của Quy Hòa mà vào đây mua đất cất nhà, trồng cây sinh sống.

Một nét đẹp khá ấn tượng của Quy Hòa là có những ngôi nhà mang nét kiến trúc cổ kính của Pháp ẩn mình thấp thoáng dưới những hàng cây xanh trầm mặc. Nhiều du khách đến đây có một cảm nhận chung rằng, dường như những con đường, những hàng cây ở Quy Hòa đều mang một sắc thái trầm mặc, một nỗi buồn man mác. Làm nên nét đẹp lặng lẽ đó phải kể đến sự tổng hòa của cảnh và người nơi đây.

Phía trước bệnh viện còn có cả một vườn tượng danh y với gần 30 tượng, như: Hippocrate, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, A.Yersin, L.Pasteur, Tôn Thất Tùng... Cách đó không xa còn có vườn tượng ghi nhớ công lao của những nhà khoa học, những người có đóng góp lớn trong việc xây dựng bệnh viện và nghiên cứu chữa trị bệnh phong.

Đến Quy Hòa, du khách chắc chắn sẽ nhớ đến thi sĩ Hàn Mặc Tử tài hoa ngắn số. Năm 1940, Hàn thi sĩ đã trút hơi thở cuối cùng tại đây khi “nửa đời chưa qua hết”. Ngôi mộ của nhà thơ nằm ở một góc vắng gần chân núi được 18 năm, đến năm 1959 mộ đã được những người thân của ông dời ra khu Ghềnh Ráng đúng như tâm nguyện của nhà thơ khi ông còn sống. Tuy Hàn Mặc Tử không còn nằm ở đây nữa nhưng phần mộ thì vẫn được giữ lại làm nơi lưu niệm. Một số người yêu thơ Hàn đã xây dựng lại ngôi mộ khá khang trang với nền móng là hình vòng cung thể hiện cho những vầng trăng, một biểu tượng trong thơ Hàn; phần trên mộ được mô phỏng như một cuốn sách đang mở ra; bên trên là một cây bút, xung quanh mộ có khá nhiều hoa cỏ được trồng.

Ngoài cảnh đẹp yên bình, đứng từ Quy Hòa, du khách có thể thỏa thích phóng tầm mắt ra bãi biển Quy Nhơn cong như một nét mày thiếu nữ hoặc nhìn ngược về hướng nam là quốc lộ 1D với những chuyến xe tất bật ngược xuôi xuyên qua những dãy núi bên bờ biển. Nằm trong tổng thể Khu du lịch Ghềnh Ráng, làng phong Quy Hòa còn có những con đường nội bộ đi trong rừng, đưa du khách đến đồi Thi Nhân, bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Tiên Sa...

Như một dấu chấm lặng giữa biển và phố, Quy Hòa ngày nay đã có rất nhiều thay đổi và trở thành điểm đến của nhiều người.

Đào Tấn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.