Hậu Covdi-19: Kích cầu du lịch Việt Nam bằng lợi thế an toàn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/05/2020 10:06 GMT+7

Nhiều giải pháp được đưa ra tại hội nghị Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19. Trong đó, các doanh nghiệp nhất trí không bán phá giá và kích cầu bằng lợi thế an toàn.

Du lịch nội địa cần nhạc trưởng

Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch, ông Trần Trọng Kiên mở đầu hội nghị diễn ra hôm qua tại Hà Nội bằng những thống kê xu hướng du lịch Việt Nam do Google thực hiện. “Nhu cầu của thị trường bắt đầu phục hồi trở lại từ cuối tháng 4. Khách trong nước hiện ưu tiên yếu tố an toàn và có ưu đãi.
Hầu hết người đi du lịch hiện tại muốn đi du lịch biển và thiên nhiên. Có tới 67% muốn đi biển, họ cũng tìm kiếm điểm đi biển, vườn quốc gia. Khách thường có nhu cầu đi ngắn ngày, đi với nhóm nhỏ, đi gần nơi mình sinh sống cùng bạn bè. Khách cũng muốn đặt dịch vụ trực tiếp với nhà cung cấp và dịch vụ số”, ông Kiên nói.
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist, cho biết đã kích cầu liên kết 100 đơn vị của mình để phát động du lịch nội địa. Ông có chủ trương “Yêu Việt Nam” chứ không phải “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” như Tổng cục Du lịch phát động. “Chúng tôi mở rộng là Yêu Việt Nam, vì chỉ nói người Việt Nam thì vô tình bỏ qua cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam. Họ là cầu nối để kết nối với người nước ngoài”, ông Tài nói. Saigontourist cũng đưa ra chương trình kích cầu với đối tác bên ngoài hệ thống để tối đa hóa kết nối.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết: “Để phát triển du lịch, chính sách của các cơ quan liên quan rất quan trọng. Làm sao để người dân thấy an toàn, thấy tự tin để đi du lịch”. Ông Quang cũng nhấn mạnh chưa bao giờ kích cầu thuận lợi như hiện nay.
“Doanh nghiệp du lịch, hãng lữ hành, hàng không chúng ta đang đói việc quá. Chúng tôi muốn đi làm, DN mong khách đến. Chúng tôi cần lệnh, cần Tổng cục Du lịch và Bộ VH-TT-DL có một cái lệnh. Mọi đơn vị đang kích cầu mạnh, đang có giá chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch Việt Nam trên các chuyến bay nội địa. Cái chúng ta cần là có cơ quan dẫn dắt”, ông Quang nói.
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết giờ là lúc cần tái cơ cấu du lịch. “Đây là dịp tái cấu trúc ngành. Phải định hướng từ bây giờ”, ông nói.

Đường bay, giá vé cụ thể

Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho rằng: “Ngành du lịch cần cam kết với Chính phủ với chỉ tiêu cụ thể. Chẳng hạn, giảm tiền điện thì giá thành sản phẩm du lịch giảm bao nhiêu. Bộ VH-TT-DL nên tính lại cấu trúc ngành vì cấu trúc hiện nay lẻ tẻ, thiếu kết nối”.
Ông Kỳ cũng đề nghị chia thị trường thành các nhóm tam giác mạnh. Chẳng hạn, miền Bắc có tam giác Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh. Miền Trung có Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam... “Làm sao để đảm bảo nhóm gia đình có thể đi 3 ngày 2 đêm. Các hãng bay mới biết đường thiết kế chặng bay. Các nhà quản lý địa phương hãy cam kết giảm 30 - 50% giá tham quan di tích. Cái này HĐND đồng ý là xong”, ông Kỳ nói và cho biết, Vietravel cũng đang vận động Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ký liên kết “chương trình” này vào 30.5 tới.
Ông Kỳ còn đề nghị chính sách nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng/người đi du lịch. “Khách mua tour 3 triệu đồng, tiêu 7 triệu đồng ở địa phương. Ai làm tốt, nhiều khách thì sẽ được trừ thuế 1 triệu đồng/khách. Chúng ta cam kết với điều kiện đó đảm bảo 35 - 40 triệu lượt khách, thì nhà nước mới quan tâm”, ông Kỳ nói.

Ngoại giao du lịch bằng miễn visa và hiệp định song phương

Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, cho biết cần mở lại các đường bay đã đóng bằng các thỏa thuận song phương. “Đường bay phải được mở lại bằng các thỏa thuận song phương với từng quốc gia một. Cần có trách nhiệm rõ ràng của quốc gia điểm xuất phát, quốc gia điểm đến. Theo cách này thì hàng không mở lại được và tạo sự yên tâm cho người dân”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết, Anh đã đạt thỏa thuận với Pháp mà không phải cách ly hành khách 14 ngày. “Đi theo cách này thì đầu mối thương thảo là cơ quan nào? Tôi nghĩ Bộ Ngoại giao là cơ quan phù hợp. Cần có một đội đồng bộ với Bộ GTVT, Y tế... đi thương thảo với các quốc gia”, ông Nam đề xuất.
Ông Nam cũng nhấn mạnh đến chính sách thị thực (visa). “Khi thương thảo về visa với các nước hậu Covid-19 thì bên cạnh mở rộng việc miễn visa đơn phương, cũng đề nghị mở rộng visa dài hạn song phương. Chẳng hạn với Mỹ, New Zealand, visa thời hạn 10 năm sẽ hỗ trợ tăng trưởng tốt”, ông Nam nói.
Ông Võ Anh Tài cũng ủng hộ chính sách miễn visa. “Chúng tôi quan tâm đến visa vì nó liên quan đến tốc độ trở lại của du khách. Cần miễn giảm visa cho những nước vừa rồi ta ngừng. Hiện nay, các cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài đã đi đặt vấn đề với các cơ quan du lịch nước ngoài chưa, như Thái Lan, Hàn Quốc đang làm với chúng ta”, ông Tài nói.

Ý kiến

Cần truyền thông mạnh về một Việt Nam an toàn

Ảnh: BTC cung cấp

Việt Nam đã thành công trong phòng, chống Covid-19. Chúng ta vẫn chưa truyền thông đủ về thành công này. Có nhiều người Việt Nam vẫn chưa hiểu chúng ta đã loại bỏ nguy hiểm trong cộng đồng. Làm sao để khách nước ngoài cũng thấy Việt Nam cực kỳ an toàn, là thiên đường an toàn - nơi đã khống chế đại dịch.
Chúng ta cũng có thể thu hút du khách quốc tế nhanh và đơn giản bằng cách tạo ra “bong bóng du lịch” cho riêng mình. Đó là những tuyến du lịch đến địa điểm gần, dễ truy dấu hoặc phong tỏa trong trường hợp có lây nhiễm. Đó là một dạng du lịch khoanh vùng.
Ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (tham luận trực tuyến)

Quan tâm đến các giải pháp thanh toán

Ảnh: BTC cung cấp

Xu hướng hiện nay là người tiêu dùng sẵn sàng hơn cho thương mại điện tử. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch nên quan tâm đến các giải pháp thanh toán, các tích hợp thông tin khách hàng khi thanh toán. Chẳng hạn, nếu khách lên app hoặc website của công ty nhưng lại có trải nghiệm thanh toán bị từ chối, hoặc phải nhập lại thông tin thẻ mỗi lần mua thì họ có thể bỏ luôn lựa chọn. Hiện tỷ lệ bị từ chối thanh toán của các công ty lữ hành khá cao. Một xu hướng nữa là người tiêu dùng cẩn trọng hơn và muốn lên kế hoạch sớm, chẳng hạn các gói du lịch dài hạn mà giờ họ chưa đi ngay. Thay vì chiết khấu cho người trả trước, tại sao các công ty du lịch không nghĩ đến trả sau và trả dần. Chúng ta cũng cần cải thiện hạ tầng thanh toán để người nước ngoài tới VN thanh toán bằng thẻ nhiều hơn.
Đặng Tuyết Dung, Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào của Visa International

Kéo dài ngày nghỉ hè để hỗ trợ du lịch

Ảnh: BTC cung cấp

Ngành du lịch chịu thiệt hại khi học sinh nghỉ học, thì du lịch có thể đề nghị kéo dài ngày nghỉ hè. Du lịch thích nghi với trạng thái bình thường mới thì giáo dục cũng phải bình thường mới. Du lịch đang khởi động cả nền kinh tế này, đang tiên phong trở lại trong tình trạng bình thường mới. Vì thế, đầu tiên ngành giáo dục cũng phải bình thường mới đi. Tôi đề nghị hết tháng 9 hãy bắt đầu đi học. Các cháu phải đi học thì bố mẹ cũng ở nhà, không đi du lịch được.
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.