Giữa Sài Gòn ‘đổ lửa’ nhớ về Trương Gia Giới mùa tuyết rơi

14/03/2019 13:28 GMT+7

Cái nóng hầm hập của Sài Gòn những ngày qua khiến tôi ngủ cũng mơ về Trương Gia Giới. Dường như bất kỳ ai đã đến tận nơi rồi đều kể lại những câu chuyện đầy các từ khóa “tuyệt trần”, “bồng lai tiên cảnh”...

Vì e ngại đám đông và những mùa cao điểm, tôi đã đánh liều mua một chiếc vé bay thẳng từ TP.HCM đến Trương Gia Giới khi vừa hết Tết, dù biết rằng mùa xuân phương Bắc sẽ chẳng chào đón mình bằng cái ấm áp như phương Nam.
Trương Gia Giới là địa danh hành chính của một vùng khá lớn thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Đến được vùng này, bạn cần di chuyển đến Vũ Lăng Nguyên - một thắng cảnh rộng đến 397.5 km2. Lọt thỏm trong phạm vi Vũ Lăng Nguyên, điểm đến của chúng ta mang tên chính thức là Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới, bên cạnh những cái tên khác cũng góp phần không nhỏ tạo nên danh tiếng của Vũ Lăng Nguyên là khu bảo tồn thiên nhiên Thiên Tử Sơn, khu bảo tồn thiên nhiên thung lũng Tố Khê và khu thắng cảnh Viên Gia Giới.
Chúng tôi cứ ngỡ đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh Khang Nguyễn

Công viên của những “gã khổng lồ”

Vũ Lăng Nguyên không hổ danh là Di sản thế giới được UNESCO công nhận, và cũng là một trong bốn mươi danh thắng nổi tiếng của Trung Quốc. Ngồi xe buýt chạy dọc con đường uốn lượn đưa du khách vào cửa ngõ Viên Gia Giới, chúng tôi không kìm được những tiếng “wow” háo hức khi thấp thoáng ngoài khung cửa sổ hẹp đã thấy màu trắng của tuyết lác đác bám trên cây cỏ. Xuống xe, ấn tượng đầu tiên làm tôi quên cả cái lạnh 3oC là cột thang máy Bách Long được trao 3 kỷ lục Guinness với vách thang kính nhìn thấu ra bên ngoài.
Con đường trứ danh gồm 99 khúc quanh từ nhiều góc độ rất cao và lạ mắt Khang Nguyễn
Bách Long phóng lên cao độ 326 m, mở ra trước mắt chúng tôi khung cảnh kỳ lạ tưởng như chỉ có ở một tinh cầu khác. Những cột sa thạch chỉ thiên vĩ đại, rừng cây tuyết phủ rậm rì trên đỉnh đá, cao đến hàng trăm mét đứng san sát bên nhau như được trồng bởi một bàn tay khổng lồ nào đó. Hay chính đây là những gã khổng lồ cổ đại đang chịu một lời nguyền hóa đá, ngàn năm bạc đầu dưới gió sương? Được biết, cả công viên có trên 3.000 “gã khổng lồ” như vậy.
Mải mê ngắm cảnh và chụp ảnh, tôi tạm thời quên cái lạnh cắt da của trời xuân phương Bắc. Tuy nhiên, để an tâm chịu đựng được nhiều giờ lang thang ngoài trời tuyết, bạn đừng quên trang bị bốn đến năm lớp áo: trong cùng là áo giữ nhiệt bó sát vào dài tay, có thể gia cường thêm một lớp áo thun mỏng, kế đến là một áo sơ-mi vải dày cũng dài tay, một áo len cổ lọ mềm, và ngoài cùng là áo khoác ka-ki dày với cổ dựng cao. Cũng đừng quên quần bó giữ nhiệt bên trong lớp quần chính, và hai phụ kiện chống gió tối quan trọng là bao tay và khăn choàng cổ loại lớn nhé.

Lên đỉnh núi thiêng

Đã cất công đến vùng này, đừng bỏ qua Thiên Môn Sơn, đỉnh núi thiêng của vùng Hồ Nam cao 1518.6 m nằm liền kề công viên Trương Gia Giới. Do tuyết rơi nhiều từ đêm trước, đường đèo núi đã hiểm trở lại càng hiểm trở, chúng tôi chỉ có cách duy nhất lên đỉnh Thiên Môn bằng cáp treo. Không ngờ, nhờ hành trình lơ lửng trên không mà tôi lại có cơ hội được chiêm ngưỡng con đường trứ danh gồm 99 khúc quanh từ nhiều góc độ rất cao và lạ mắt.
Thiên Môn Sơn đón tôi bằng một màu trắng toát, lạnh lẽo và tinh khiết. Tuyết phủ khắp nơi, từ mặt đất lên mái nhà. Ngoài khoảng không mà phía dước là vực sâu thăm thẳm, một màn sương mờ ảo bao phủ đất trời, làm nền tôn lên những cành cây khẳng khiu trĩu nặng vì băng tuyết. Núi Thiên Môn tháng Giêng vừa mang vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt, vừa như một bức tranh sống động về cuộc chiến sinh tồn giữa tự nhiên và muôn loài.
Cột thang máy Bách Long được trao 3 kỷ lục Guinness với vách thang kính nhìn thấu ra bên ngoài Khang Nguyễn
Khu vực này cũng là nơi an toàn cho các loài động vật Khang Nguyễn
Trở về từ đỉnh Thiên Môn Sơn, nếu ai có hỏi Trương Gia Giới nên đi mùa nào là đẹp, có lẽ tôi sẽ trả lời rằng: mùa hè hoặc mùa thu, Trương Gia Giới chắc chắn là bồng lai tiên cảnh, nhưng nếu bạn là một người đi tìm sự khác biệt, thì đừng ngần ngại, hãy khoác áo ấm vào và đi thôi!
Tuyết rơi trắng xóa một vùng Khang Nguyễn
Trương Gia Giới nổi tiếng với hơn 3.000 cột đá, vách núi có nhiều hình thù đa dạng Khang Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.