Du lịch ế ẩm

03/03/2013 03:25 GMT+7

Dù đang ở mùa cao điểm nhưng hàng loạt khách sạn phải giảm giá phòng để hút khách.

Giám đốc một công ty du lịch cho hay, trước Tết Nguyên đán, các khách sạn (KS) cao cấp đã tìm đến công ty “nói nhỏ” sẽ giảm giá thấp hơn giá đã ký trong hợp đồng. Cụ thể, giá phòng 4 sao ở mức 70 - 80 USD/đêm giảm bớt 20 USD. Sở dĩ họ không dám công khai giảm giá vì lo ngại ảnh hưởng tới danh tiếng của KS.  

Nhiều thị trường khách quan trọng của du lịch VN suy giảm
Nhiều thị trường khách quan trọng của du lịch VN suy giảm - Ảnh: D.Đ.M 

Theo giám đốc một công ty du lịch khác ở TP.HCM, các KS gửi thư chào bán phòng giá giảm từ 17 - 20% do vắng khách. Lượng du khách mà công ty trên khai thác trong mùa cao điểm năm nay giảm tới 25% so với mùa trước. Trưởng phòng kinh doanh một KS 4 sao trên đường Đồng Khởi chia sẻ, công suất phòng mùa cao điểm năm 2012 - 2013 chỉ đạt khoảng 60%, so với 80% của mùa trước. Các KS 5 sao vẫn giữ được mức khai thác tương đối tốt, vì đối tượng khách của các KS này thường giàu có. Kinh tế khó khăn ít ảnh hưởng đến họ. Còn các KS 4 sao lại chịu cạnh tranh mạnh từ các KS 3 sao có giá thấp hơn, do khách thu nhập trung bình tiết kiệm chi tiêu và hạn chế đi du lịch.

Thiếu thực tế

Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty Lạc Hồng Viễn Du, cho rằng dù các khách sạn giảm giá nhưng trong ngắn hạn, các hãng lữ hành rất khó chào bán tour cho du khách. Vì khách quốc tế thường mua tour từ rất sớm, thậm chí từ năm trước để đi cho năm sau, cách nhau khoảng 6 tháng đến 1 năm trong khi ở ta, chỉ khi tới mùa cao điểm, thấy lượng khách không ổn, KS mới giảm giá khiến hãng lữ hành không trở tay kịp. Các chuyên gia du lịch thì cho rằng nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp lưu trú không thể dự báo được tình hình kinh doanh để lên kế hoạch giảm giá phù hợp là do ngành du lịch không công bố chính xác lượng khách quốc tế vào VN mà luôn dựa vào số liệu thống kê lượng khách quốc tế nhập cảnh vào VN qua mọi ngả đường của Tổng cục Thống kê làm con số cơ sở của ngành mình. Con số này không phản ảnh được thực tế khách du lịch thuần túy. Dẫn đến các doanh nghiệp lưu trú bị động, khiến các hãng lữ hành cũng bị động theo.

Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam, cho rằng để khắc phục tình trạng này, ngành du lịch cần phải có nghiên cứu để dự báo diễn biến thị trường dài hạn. “Đằng này, tới khi khách không đến, chúng ta mới biết thì đã quá trễ. Ngoài ra, cũng cần có đơn vị đứng ra nghiên cứu xem điểm đến VN có còn hấp dẫn so với khu vực hay không… Thực ra, KS giảm giá chỉ một phần. Nếu KS giảm, nhưng giá vé máy bay tăng, giá thuê xe tăng, giá dịch vụ ăn uống tăng... thì cũng bằng không”, ông Du phân tích thêm.

N.Trần Tâm

>> Quảng Nam quy hoạch khu du lịch biển cao cấp
>> Bùng phát nhái thương hiệu trong ngành du lịch
>> Thành lập hội mua sắm cho khách du lịch
>> Tàu du lịch đầu tiên xông đất Nha Trang
>> Du lịch Việt' những điều tôi thấy
>> Quy định làm khó du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.