Đánh thức tiềm năng du lịch miền biển Thạnh Phú

27/07/2020 10:13 GMT+7

Với nhiệm vụ đột phá tạo ra 7.500 ha đất đai từ bãi biển để phục vụ các dự án năng lượng sạch và du lịch sinh thái đã phần nào cho thấy Thạnh Phú đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Khê, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú (Bến Tre), khẳng định đến năm 2025, du lịch sẽ là ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện biển Thạnh Phú; trong đó khu du lịch “Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” trở thành trung tâm du lịch sinh thái cấp vùng. “Quan điểm của huyện là phát triển kinh tế hướng Đông, nghĩa là kinh tế biển. Trong đó tập trung các lĩnh vực năng lượng tái tạo, khu đô thị lấn biển, phát triển đồng bộ kinh tế thủy sản (bao gồm khai thác, nuôi trồng, chế biến theo hướng công nghệ cao) và phát triển du lịch kết nối tuyến TP.HCM - Thạnh Phú - Côn Đảo”, ông Khê nói.

Dân đổi đời nhờ du lịch

Năm 60 tuổi, ông Phan Văn Vạn ở bãi biển cồn Bửng (xã Thạnh Hải, H.Thạnh Phú) vẫn sống trong cảnh nghèo nàn. Mong mỏi của ông là ngày nhắm mắt lìa đời được kịp nhìn thấy mặt gần chục người con của mình đang bươn chải kiếm sống ở những nơi xa xôi. Thế mà khi đến tuổi 67, ông Vạn đã là tỉ phú và các con ông đều đã về quê, làm ăn buôn bán tại bãi biển du lịch Cồn Bửng, thu nhập mỗi ngày vài triệu đồng/người.
“7 năm trước, tôi cứ tưởng đời mình phải chịu khổ rồi lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng tại bãi biển này. Bởi con cá, con cua bắt được vợ tôi phải vô tuốt trong chợ Cồn Hươu (xã Giao Thạnh) bán để mua gạo, mắm, muối… Thế rồi Nhà nước đầu tư du lịch, người ta nườm nượp tới đây. Tôi giữ xe mỗi ngày kiếm cả triệu đồng, còn vợ bán nước uống, tiền nhiều hơn tôi. Làm ra nhiều tiền thấy ham lắm. Nhưng rồi vợ chồng tôi tự thấy mình dân quê, nói năng cục mịch, sợ du khách tưởng mình thất lễ rồi giận dỗi. Vậy nên tôi quyết định cho thuê đất để người có kinh nghiệm về du lịch họ làm”, ông Vạn nhớ lại.
Khu đất tiếp giáp biển diện tích hơn 1 ha của gia đình ông Vạn có giá thị trường năm 2014 gần 20 tỉ đồng và bãi biển du lịch cứ được thiên nhiên bồi đắp đều đặn qua từng năm. “Nhà cửa, rừng rú ở gần biển bị sóng dập, gió vùi là bình thường. Nhưng nếu chú ý một chút sẽ thấy bãi biển Thạnh Phú được bồi chứ không phải lở. Cụ thể là lúc nước ròng, hướng từ bờ ra biển có bãi cát dài cả chục cây số. Tuy nhiên, mình không đi bộ ra tận nơi được vì bãi cát tại khu vực từ khoảng 1 km trở ra như các giồng khoai hay đợt sóng vậy đó”, ông Vạn chia sẻ sự hiểu biết về bãi biển ở khu du lịch “Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre”.
Bối cảnh về cuộc sống và nhận thức của ông Vạn cũng là mẫu số chung của hàng ngàn hộ gia đình tại 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải của H.Thạnh Phú.
Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND H.Thạnh Phú, cho biết hiện nay khu vực ven biển có nhiều dự án về hạ tầng du lịch và 3 dự án điện gió với quy mô lớn đang được triển khai. Đặc biệt trong đó, chủ đầu tư một dự án điện gió đang mong muốn được điều chỉnh để bổ sung thêm một tiểu dự án là khu dân cư lấn biển. “Nhà đầu tư nhận định khu vực biển Thạnh Phú chẳng những có tiềm năng vô tận về năng lượng sạch, du lịch sinh thái mà còn có vị trí địa lý thuận lợi trong giao thương hàng hải. Qua kết quả quan trắc cũng như các cứ liệu có sẵn, chúng tôi thấy rằng nhận định đó có cơ sở và rất khả thi, nếu trong 10 năm tới Thạnh Phú tạo ra 7.500 ha đất đai từ biển thông qua chủ trương, dự án lấn biển (dự kiến 3 km x 25 km). Trước mắt, chúng tôi mong muốn có được các khu dân cư trên biển. Khu dân cư này có vai trò phục vụ khách du lịch nghỉ dưỡng, cư trú cho nhân dân địa phương và đặc biệt nó sẽ trở thành sản phẩm du lịch hết sức độc đáo, có một không hai tại vùng ĐBSCL”, ông Thương cho hay.
Bãi biển Thạnh Phú hoang sơ với bờ cát dài mịn màng sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương cụ thể hóa chủ trương lấn biển. Ảnh: B.B

Bãi biển Thạnh Phú hoang sơ với bờ cát dài mịn màng sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương cụ thể hóa chủ trương lấn biển

Ảnh: B.B

Thu ngân sách nghìn tỉ đồng trong tầm tay

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ H.Thạnh Phú (nhiệm kỳ 2020 - 2025) nêu rõ đến năm 2025 sẽ đạt huyện nông thôn mới (NTM); trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu. Tầm nhìn đến năm 2030, Thạnh Phú sẽ là một trong những trung tâm du lịch và trung tâm năng lượng sạch của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng/người/năm; 5/17 xã, thị trấn tự cân đối được chi tiêu ngân sách. Tổng thu ngân sách trên 1.000 tỉ đồng/năm…
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú, cho rằng trong 5 năm tới và tầm nhìn đến 2030, Thạnh Phú có đủ điều kiện để bứt phá, vươn lên nếu khai thác đúng thế mạnh của địa phương là kinh tế biển. Trong đó, cần ưu tiên phát triển du lịch tổng hợp, năng lượng sạch, nuôi thủy sản công nghệ cao, khai thác thủy sản, phát triển công nghiệp ven biển và hình thành dần đô thị ven biển.
Theo ông Sơn, để làm việc này, tỉnh phải đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông ven biển phục vụ vận chuyển cho du lịch và ngành công nghiệp năng lượng sạch; phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp như xoài, lúa sạch, thủy sản để phục vụ khách du lịch; quy hoạch khu công nghiệp gần biển để phát triển các ngành chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phụ trợ kinh tế biển; có kế hoạch lấn biển, vừa chống sạt lở, vừa mở rộng quỹ đất phát triển du lịch, đô thị ven biển; chuyển đổi một phần đất rừng không đúng mục đích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (đất không có rừng) sang mục đích khác cho dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Cuối cùng là tập trung khai thác tốt năng lượng sạch, đầu tư hạ tầng phục vụ năng lượng. Thạnh Phú đang có vị trí rất tốt phát triển các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời và thậm chí điện khí hóa lỏng.
“Tôi tin tưởng với nội lực của huyện cùng với huy động nguồn lực đầu tư của tỉnh trong 5 và 10 năm tới cho những lĩnh vực nêu trên thì Thạnh Phú sẽ cất cánh nhanh so với nhiều địa phương khác trong tỉnh”, ông Sơn khẳng định.
Đánh giá về các mục tiêu đột phá trong thu ngân sách của Nghị quyết Đảng bộ H.Thạnh Phú, ông Nguyễn Văn Niệm, Phó giám đốc Sở Công thương Bến Tre, khẳng định hoàn toàn khả thi. “Tôi không nói các nguồn thu nội địa khác hay các dự án năng lượng đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tính riêng các dự án điện gió trên địa bàn H.Thạnh Phú đang triển khai cùng với danh mục các dự án điện gió vừa được phê duyệt thì khi đưa vào khai thác, các doanh nghiệp sẽ góp vào ngân sách trên 500 tỉ đồng/năm”, ông Niệm khẳng định.
Về mục tiêu lấn biển lồng ghép trong các dự án phát triển năng lượng, ông Niệm cho rằng đó là một cách làm rất hay. Nhưng để đa dạng hóa nhà đầu tư thì H.Thạnh Phú nên lồng ghép cả vào trong các dự án phát triển đô thị du lịch sinh thái, giao thông kết hợp an ninh, quốc phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.