Du lịch TP.HCM hè 2022: Mỗi quận, huyện một sản phẩm đặc trưng

02/08/2022 09:15 GMT+7

TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng thêm những tuyến điểm, tour mới ở các quận, huyện để giới thiệu về ẩm thực, làng nghề rồi kết hợp cùng doanh nghiệp du lịch đưa vào khai thác, đón khách.

Những sản phẩm mới ra đời

UBND Q.5 (TP.HCM) vừa ra mắt chương trình du lịch “Về Chợ Lớn xem múa Lân”, chương trình sẽ định kỳ tổ chức vào ngày thứ bảy, chủ nhật tuần thứ hai của mỗi tháng.

Chương trình bắt đầu từ 17 giờ 30 phút đến 20 giờ mỗi thứ bảy, chủ nhật tuần thứ hai của mỗi tháng với các tiết mục múa rồng truyền thống... xen kẽ các tiết mục biểu diễn võ nhạc, múa sư tử, trống hội từ các đoàn Lân Sư Rồng tiêu biểu của TP.HCM.

Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó chủ tịch UBND Q.5 cho biết, với bề dày văn hóa lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, Q.5 đón hàng ngàn lượt khách mỗi ngày đến các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật; tinh hoa văn hóa ẩm thực địa phương cũng thu hút đông đảo khách quốc tế và trong nước đến thưởng thức.

Theo Phó chủ tịch UBND Q.5, không dừng lại ở một chương trình biểu diễn nghệ thuật thông thường, “Về Chợ Lớn xem múa Lân” muốn vươn tới là một sản phẩm du lịch định kỳ, kết nối với các công ty du lịch, lữ hành đưa vào các chương trình city tour của TP phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước; từng bước đưa Q.5 trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến với TP.HCM.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cùng Sở Du lịch TP.HCM đã khảo sát một số điểm đến độc đáo trong chương trình tour du lịch “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn”. Đoàn đã tham quan những điểm đến mang dấu ấn lịch sử, lần đầu được đưa vào khai thác tour du lịch như: căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm - nơi Bác Hồ ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước; Di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới)…

Ngoài ra, đoàn cũng đi khảo sát tour “Tân Phú - Đi là nhớ” qua các điểm: Di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, đình Tân Thới, chùa Pháp Vân với nhiều kỷ lục quốc gia, thưởng thức một số món ăn độc đáo, chợ vải, Bảo tàng Sâm Ngọc Linh. Quận Tân Phú mong muốn tour thiết kế thử nghiệm này sẽ là một hành trình trải nghiệm thú vị dành cho du khách trong và ngoài nước, trước tiên là dành cho người dân TP.HCM.

Mỗi quận, huyện và TP.Thủ Đức (TP.HCM) sẽ có sản phẩm du lịch đặc trưng

Ảnh: DUY PHÚ

Nhiều trải nghiệm mới đón chờ du khách

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng chia sẻ, 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức sẽ có những sản phẩm rất đặc trưng, từ đó du khách tới TP không chỉ tham quan khu vực trung tâm mà còn có thêm nhiều loại hình mới. “Chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng thêm những tuyến điểm, tour mới ở các quận huyện để giới thiệu về ẩm thực, làng nghề rồi kết hợp cùng doanh nghiệp du lịch đưa vào khai thác, đón khách”, bà Phan Thị Thắng nói.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, các quận, huyện và TP.Thủ Đức khảo sát, thiết kế các tour/tuyến du lịch nội vùng (quận, huyện) như chương trình “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn”, “Sài Gòn trăm năm, hoa trái thương hồ”, “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”,…

Ngoài ra, Sở Du lịch TP.HCM cũng lấy ý kiến góp ý đề án Phố đi bộ và khu ẩm thực Hà Tôn Quyền (Q.11), phối hợp huyện Nhà Bè khảo sát các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch ven sông. Đồng thời, xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy năm 2022 cùng với Kế hoạch khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với hoạt động mới lạ trên địa bàn Q.1, 5, 6, 8. Sở sẽ làm mới lại các chương trình du lịch tại các điểm đến của TP, gắn với các hoạt động trải nghiệm, đạp xe tại các vùng nông thôn ngoại thành, tìm hiểu văn hóa địa phương, tham gia các hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.