Du lịch 'tê liệt' vì Covid- 19

15/04/2020 06:27 GMT+7

90% doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM đã ngưng hoạt động; theo kịch bản xấu nhất, sẽ không có khách quốc tế nào đến Việt Nam từ nay đến hết năm... Ngành du lịch thực sự “tê liệt” vì dịch Covid-19 .

Nhiều công ty không còn doanh thu

Đây là con số được dự báo từ trước nhưng vẫn gây sốc mà ngành du lịch TP.HCM vừa mới công bố trong báo cáo mới nhất đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới ngành du lịch TP trong quý 1.
Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến TP.HCM đã có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng từ sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới. Điều này đã kéo theo sự sụt giảm trong doanh thu du lịch. Mặc dù vậy, tốc độ giảm của doanh thu tương đối chậm hơn so với lượng khách du lịch, do đặc điểm của khách du lịch Trung Quốc (thị trường khách bị ảnh hưởng đầu tiên) là du lịch theo tour và có mức chi tiêu không cao, đồng thời lượng khách du lịch đến từ các thị trường khác vẫn còn đang lưu trú tại TP.HCM.
Tuy nhiên sang tháng 3, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu” thì ngành du lịch VN nói chung và TP.HCM nói riêng gần như tê liệt hoàn toàn. Tính chung 3 tháng, TP.HCM chỉ đón được hơn 1,3 triệu khách quốc tế, giảm 42,26% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu du lịch chỉ đạt 25.591 tỉ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ thay vì có sự tăng trưởng đều như những năm trước đây. Những số liệu này đã đẩy ngành du lịch TP về với vạch đích từ năm 2016.
Đáng nói, theo đánh giá của Sở Du lịch TP.HCM, dịch Covid-19 đã "giáng một đòn chí mạng" tới các doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch trên địa bàn. Cụ thể, trong tháng 1 và tháng 2, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành giảm từ 50 - 60% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 3, lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm. Đặc biệt có một số công ty, lượng khách và doanh thu giảm 95 - 100% so với cùng kỳ năm trước. “Hiện nay, có đến 90% DN lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động, một số DN lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, DN vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng. Nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch Covid-19 sẽ đi làm lại” - báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM nêu rõ.
Du lịch tê liệt kéo theo hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống và cơ sở mua sắm lao dốc không phanh. Cụ thể, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%; kinh doanh hội nghị giảm 60,8%; kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%; số lao động nghỉ việc và tạm thời ngừng việc chiếm tỷ lệ cao.

Ga Sài Gòn vắng khách, xe ôm và hàng quán lao đao trong đại dịch Covid-19

Những "kịch bản buồn"

Là điểm đến du lịch lớn nhất, chiếm hơn 50% lượng khách du lịch quốc tế đến VN, “sức khỏe” của ngành du lịch TP.HCM cũng chính là bức tranh thu nhỏ của ngành công nghiệp không khói VN hiện nay.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau tháng 1 tăng cao 33% so với cùng kỳ, lượng du khách quốc tế đến nước ta đã suy giảm mạnh trong tháng 2 (giảm 22%) và tháng 3 (giảm 68%) do dịch. Số lượng du khách sẽ xuống đáy từ tháng 4 này do lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh đã áp dụng trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã xây dựng một số kịch bản sơ bộ để tiếp tục theo dõi, đánh giá, đề ra các hoạt động ứng phó thích hợp.
Theo đó, với kịch bản 1, dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 6, lượng khách quốc tế sẽ ở đáy từ tháng 4 - tháng 6. Trong khoảng thời gian đó, dự báo gần như không có khách quốc tế đến VN. Số lượng khách sẽ hồi phục dần vào cuối năm nhưng còn thấp, chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2019. Sau khi dịch được khống chế, hoạt động du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất...
Tổng cục Du lịch nhận định các thị trường gần trong khu vực châu Á có khả năng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc... Theo kịch bản này, khách du lịch quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt.
Trong kịch bản thứ 2, trường hợp đại dịch kéo dài đến cuối tháng 9, đặc biệt là ở châu Âu, Bắc Mỹ, Tổng cục Du lịch cho rằng các nước châu Á trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc cơ bản khống chế được dịch trước, tuy nhiên các biện pháp hạn chế đi lại, giao thương vẫn bị hạn chế để ngăn ngừa dịch lây lan. Nếu vậy, thời gian ngưng trệ gần như không có khách du lịch quốc tế sẽ kéo dài hơn trong khoảng từ tháng 4 - tháng 9, chỉ có thể bắt đầu hồi phục rất hạn chế từ cuối năm với các hoạt động đi lại du lịch công vụ, giao thương. Theo kịch bản này, lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.
Đáng chú ý, nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12 mà dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4 - tháng 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.