Du lịch “ở nhờ”

13/09/2005 23:09 GMT+7

Đ ược có cơ hội học tập và sinh sống ở nước ngoài một thời gian, du học sinh nào cũng muốn đi đây đi đó để khám phá, để làm giàu cho cái “túi khôn” của mình. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” mà. Nếu là sinh viên (SV) đi theo diện học bổng thì đỡ rồi, nhưng nếu đi học bằng tiền chu cấp của cha mẹ thì... hơi “xót ruột” một chút khi đồng ngoại tệ được quy đổi ra giá trị của nó ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu khéo vun vén thì vẫn “đâu vào đấy”.

Đi cho biết đó biết đây

Huy Minh đang học tự túc năm nhất ở Đại học Bochum của Đức. Minh may mắn ký được một hợp đồng dài hạn dịch tài liệu tiếng Việt sang tiếng Anh cho một giáo sư Đức làm dự án với Việt Nam. Mỗi tháng Minh nhận được 300 euro, số tiền đó đủ cho Minh chi phí ăn uống và để dành đi đây đi đó; còn tiền thuê phòng và giáo trình sách vở thì gia đình chu cấp. Tháng 5 vừa rồi, Minh sang thăm Brussels, ở trọ chỗ ký túc xá với tôi. Với 18 euro vé xe buýt khứ hồi Dortmund - Brussels, tiền đi lại hằng ngày và vé tham quan (chỗ ở và ăn uống xem như miễn phí), Minh đã có một chuyến du ngoạn đầy thú vị. Hồi tháng 8, Minh lại "làm một chuyến" sang thủ đô Vienne của Áo, lần này thì ở nhờ gia đình một Việt kiều. Sau một tuần trở về, Minh chia sẻ với bạn bè bao nhiêu điều huyền bí của xứ sở nhạc giao hưởng thính phòng này. Mới đây, Minh hỏi tôi về thủ đô Rome của Ý. Ở đó không có nhiều SV và người Việt mình nên tôi bảo Minh chuẩn bị khoảng 15 euro cho mỗi đêm ở trọ. Minh lè lưỡi: "Một tuần mất đứt của em hơn trăm euro. Phải "cày" vài tháng nữa mới có đủ tiền mà đi".


Huy Minh vào nghĩa trang thăm bia mộ Beethoven, Mozart và Schubert...
Một tuần lễ ở Brussels, Minh đi hết mọi ngõ ngách của thủ đô và chụp trên ngàn bức ảnh. Bảo đảm một người ở đây hai năm như tôi chưa chắc biết nhiều về cảnh quan Brussels như Minh. Sau ngày chu du thứ ba, Minh mang về một lô báo, tạp chí và brochure mà cậu thu gom được từ các văn phòng du lịch của thành phố. "Ngâm cứu" một lúc, Minh reo lên: "Bà chị ơi, bà chị ở đây gần hai năm mà chẳng biết gì hết. Người ta bán vé tham quan rẻ ơi là rẻ nè: 30 euro tham quan được 30 bảo tàng của thành phố trong vòng 5 ngày không mất tiền đi lại trên mọi phương tiện giao thông. Phải chi em biết sớm thì đỡ tốn tiền vé xe 2 ngày vừa rồi (3,8 euro mỗi ngày) và bao nhiêu thứ tiền khác. Bây giờ em còn ở đây có 3 ngày, phí chưa. Nhưng 3 ngày, 30 đồng, vẫn lời chán. Em quyết định đi bảo tàng". Ngay chiều hôm đó, tận dụng vé đi xe vẫn còn hạn sử dụng, Minh chạy đi mua chiếc vé 30 euro. Và 3 ngày cuối cùng, Minh đi chiêm ngưỡng không sót một tác phẩm nghệ thuật nào của hơn 10 bảo tàng ở Brussels, suýt nữa thì cậu ta bị nhỡ chuyến xe buýt trở về Đức...

Khám phá những điểm đến

Du học sinh ở châu u có được nhiều thuận lợi khi đi du lịch từ nước này sang nước khác nhờ quy chế không visa và đồng tiền chung giữa các nước thành viên cộng đồng châu u. Phần lớn SV ta sang đây học cao học 1 hoặc 2 năm, hoặc các khóa ngắn hạn vài tháng. Trong thời gian đó, hầu như ai cũng có kế hoạch đi thăm một số nước lân cận. Nhiều người còn tranh thủ mời vợ, chồng, người thân trong gia đình từ Việt Nam hay nơi khác sang chơi. Nhiều bạn lên hẳn một danh sách những nơi phải thăm cho kỳ được trước khi rời châu u. 


... và bên tượng đài nhạc sĩ Johan Strauss trong công viên thủ đô
Xếp đầu danh sách chắc chắn là kinh đô Paris. Tiếp theo là thành phố Amsterdam với mạng lưới kênh đào nối ra tận Bắc Hải và "khu phố đèn đỏ", nơi ngành kỹ nghệ mại dâm được hợp pháp hóa và công khai "đỏ đèn" suốt ngày đêm. Vào mùa xuân, đất nước hoa tulip và những chiếc cối xay gió lại thu hút khách du lịch khắp thế giới với vườn hoa Keukenhof. SV ta cũng thích sang đất nước Luxembourg nhỏ xíu, đi bộ một ngày là qua hết các hang cùng ngõ hẻm.

Xa hơn là thủ đô Rome của Ý; thành phố Venice trên sông trữ tình đến mê ly nhưng giá cả sinh hoạt hơi đắt đỏ. Rẻ hơn là các nước Địa Trung Hải ấm áp, rất tuyệt vời cho những chuyến đi vào mùa đông và đầu xuân như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp; tuy nhiên, đi lại xa xôi chi phí cũng hơi cao. SV nào “khá giả” một tí thì xin visa sang Anh Quốc, trước đây chỉ có 54 euro, từ ngày 1.7.2005 tăng lên 78 euro cho mỗi visa du lịch có thời hạn 6 tháng. Các thành phố lớn của Đức như Munich, Berlin, Frankfurt, thủ đô Vienne của Áo cũng nằm trong danh sách của những SV thoải mái một chút hoặc có người quen ở đó bảo lãnh được phần nào chi phí. Zurich, Geneve của Thụy Sĩ đẹp lắm nhưng đắt đỏ nhất nhì châu u nên SV ta cũng hơi "ngán". Bỉ có 2 thành phố ở phía bắc là Brugge được mệnh danh "Venice của phương Bắc" với sông nước hữu tình và Antwerpen là trung tâm chế tác kim cương lớn nhất thế giới thu hút khá đông khách du lịch, giá cả lại tương đối "dễ thở".

Ưu tiên hàng đầu: Chi phí thấp

SV đi du lịch phần đông tìm chỗ ở nhờ, thay vì thuê nhà trọ hoặc khách sạn. Mục đích chủ yếu là để tiết kiệm chi phí. Đôi khi chẳng cần quen biết, chỉ qua một lời giới thiệu là được rồi. Cùng là SV, cùng là người Việt cả mà. Ở nhờ như vậy còn có nhiều điều hay khác. Thứ nhất là được gặp người đồng hương, có dịp trao đổi kinh nghiệm học tập và nhờ "thổ địa" chỉ dẫn. Thứ hai là được ăn những bữa cơm Việt Nam thay vì gặm bánh mì dài dài, chi phí ăn uống cũng giảm rất nhiều. Thêm nữa, chỗ ở nhờ nào cũng có máy vi tính và Internet nên việc tìm kiếm, cập nhật thông tin, liên lạc với gia đình, bạn bè không bị gián đoạn; camera digital thì tha hồ bấm máy và cứ "trút" tạm hình ra máy vi tính chủ nhà. 


Huy Minh thăm Đại sứ quán Việt Nam ở Brussels. ảnh: T.M
Ở Brussels này có anh Dũng nổi tiếng "mát tay", đỡ đầu cho nhiều SV Việt Nam ở các nước khác sang du lịch. Dăm ba bữa lại nghe anh Dũng có khách, hết từ Anh lại từ Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ... Thường thì các bạn sang tạm trú ở Brussels rồi từ đây đi sang Hà Lan, Pháp, Luxembourg, với khoảng cách có thể đi về trong ngày. Anh Dũng cũng có "thành tích" đáng kể trong việc đưa khách đi tham quan "khu phố đèn đỏ" của Amsterdam.

Phương tiện đi du lịch chủ yếu của SV là xe buýt. Máy bay và tàu hỏa thì đắt lắm; nhưng vé khuyến mãi, tàu đêm và các hãng máy bay giá rẻ như Ryanair, Virgin Express cũng thường được những SV có học bổng kha khá lựa chọn. Dù đi phương tiện gì thì cũng phải lên kế hoạch đặt vé thật sớm và tìm kiếm lịch đi không rơi vào những tháng, ngày, giờ cao điểm, như vậy mới được giá thấp nhất. Có lần, tôi đặt vé bay trên mạng đi Madrid với hãng Virgin Express, vì vài phút do dự, phiếu book vé bị hết hạn; quay trở lại để book tiếp thì giá vé đã tăng thêm 25 euro cho mỗi chuyến bay. Tiếc đứt ruột nhưng cũng phải nhắm mắt nhấn nút enter để đặt vé vì kế hoạch đã định. Eurolines là hãng xe buýt lớn nhất, nối hầu hết các thành phố lớn của châu u. Một vé buýt khứ hồi sang Luân Đôn từ Brussels vào mùa hè - thu là 59 euro, vé khuyến mãi đặt trước 45 ngày thì chỉ có 29 euro. Hãng máy bay giá rẻ Ryanair có khi bán vé khứ hồi từ Brussels sang Milan (Ý) và Stockholm (Thụy Điển) với giá 1 euro, cộng thêm các khoản phí sân bay và thuế nữa thì mất khoảng gần 60 euro. Vì rẻ, Ryanair chỉ bay ở những sân bay ngoại ô và tỉnh lẻ, chi phí đi lại giữa sân bay và trung tâm thành phố cũng hơi nhiều và khá mất thời gian. Thế nhưng, những chuyến bay của Ryanair bao giờ cũng kín khách; mà không chỉ có SV đâu, dân châu u cũng chọn đi giá rẻ nữa...

Các bạn có kế hoạch đi đâu chưa? Nếu sang Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ, tôi chắc bạn sẽ tiết kiệm được tối thiểu 15 euro mỗi ngày vì bạn có thể tá túc với người Việt mình ở đó. Hãy lên kế hoạch sớm, liên hệ ngay với một "mạnh thường quân", tìm trên Internet những chiếc vé có "giá SV" nhất. Chẳng cần cầu kỳ, khách sáo đâu, cứ chỗ nào bổ và rẻ là ta đến thôi!

Thục Minh
(từ Brussels, Bỉ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.