Du lịch mạnh mẽ bứt tốc: Sự khác biệt từ 'sếu đầu đàn'

19/04/2022 06:53 GMT+7

Có nhiều lợi thế, du lịch VN đang kỳ vọng vào giai đoạn chuyển từ chạy theo “nguyên lý sản lượng” sang chất lượng và sự khác biệt nhờ các “sếu đầu đàn”.

Khách chi tiền nhiều hơn

Nhìn lại từ Đà Nẵng đến Phú Quốc, Quảng Ninh, Lào Cai... khi chính quyền chủ động “trải thảm” đón các nhà phát triển du lịch uy tín vào đầu tư, kinh tế đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều địa phương đã khoác một diện mạo hoàn toàn mới, đời sống người dân được cải thiện mạnh mẽ. Từ đó, đưa VN trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Ngay trong 2 năm bị đại dịch Covid-19, VN vẫn không ngừng được xướng tên trong các cuộc trao giải, bình chọn giải thưởng, danh hiệu danh giá. Đơn cử, năm 2021, VN được giải thưởng World Travel Awards thế giới xướng danh ở 2 hạng mục là Điểm đến hàng đầu châu Á và Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á. Chỉ riêng Tập đoàn Sun Group đã đạt 24 giải cho các hạng mục điểm đến, công trình khắp cả nước như: Cầu Vàng tại Đà Nẵng giành danh hiệu “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới”; Sun World Ba Na Hills với danh hiệu “Khu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới”; JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay - Phú Quốc - Khu nghỉ dưỡng sang trọng dành cho đám cưới hàng đầu thế giới… Trong lĩnh vực hàng không, sân bay quốc tế Vân Đồn cũng được bình chọn là sân bay khu vực hàng đầu thế giới năm 2021.

Du lịch phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít, nhưng chi tiêu nhiều. Để làm được điều đó, cần những “con sếu đầu đàn”, những tập đoàn lớn, có thực lực và đẳng cấp. Những tập đoàn này phải là những người định hình chân dung du lịch ở các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN

Khẳng định đẳng cấp là hướng đi mà ngành du lịch VN phải hướng tới, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đánh giá các doanh nghiệp (DN), tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đóng vai trò tiên phong khi tạo nên những công trình giúp VN tự hào, đặt tọa độ của điểm đến lên một đẳng cấp cao, xứng đáng với cuộc đua tầm cỡ thế giới.

Những sản phẩm du lịch đẳng cấp là vũ khí giúp du lịch VN đột phá sau đại dịch

N.A

Theo TS Trần Đình Thiên, VN muốn đột phá du lịch phải phát triển theo hướng khác biệt, đặc sắc. Du lịch ngay từ đầu phải là đẳng cấp, vượt lên chứ không chỉ chạy theo “nguyên lý sản lượng”, kiểu số lượng khách năm nay phải tăng hơn năm trước. Khi muốn “ăn” nhanh, muốn tăng số người, muốn có thành tích thì lại mở cửa, tạo điều kiện cho kiểu khách đi cả làng. Điều này sẽ khiến du lịch không đi vào chiều sâu.

“Du lịch phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít, nhưng chi tiêu nhiều. Để làm được điều đó, cần những “con sếu đầu đàn”, những tập đoàn lớn, có thực lực và đẳng cấp. Những tập đoàn này phải là những người định hình chân dung du lịch ở các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành như những gì Sun Group đã làm với Đà Nẵng, Sa Pa, Quảng Ninh hay Vingroup làm với Phú Quốc, Nha Trang...”, ông Thiên nhấn mạnh.

Góp phần phục hồi kinh tế

Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch VN ghi nhận những bước phát triển ngoạn mục với lượng khách tăng trưởng tốt, năm sau cao hơn năm trước. Đỉnh cao nhất là năm 2019, ngành du lịch đạt 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2%, 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%. Tổng thu từ du lịch đạt 755.000 tỉ đồng (tương đương 32,8 tỉ USD theo tỷ giá năm 2019), tăng 18,5% so với 2018, trong đó, thu từ du lịch quốc tế là 421.000 tỉ đồng, chiếm 55,7%. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Đơn cử, năm 2015, du lịch chỉ đóng 6,3% tổng GDP cả nước nhưng tới năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên tới 9,2%, từng bước hướng tới trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, du lịch là ngành có sức sống mãnh liệt. Dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng cứ hễ tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành này lại phục hồi mạnh mẽ. TP.HCM là một minh chứng. Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng dịch năm 2021. Nhưng ngay khi số ca nhiễm được kiểm soát, TP đã tổ chức thí điểm tour Cần Giờ, vừa để tri ân đội ngũ y bác sĩ, vừa để châm ngòi lửa hâm nóng ngành du lịch. Khi Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế đến 5 địa phương, TP.HCM cũng lập tức lên phương án, đề xuất được đón khách quốc tế với những điều kiện thông thoáng nhất có thể.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của TP, có tỷ lệ đóng góp vào GRDP của TP từ 10 - 12% trong giai đoạn trước dịch bệnh. Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác.

Dẫn chứng sự phục hồi du lịch ở Thái Lan, bà Thắng cho hay tổng thu từ du lịch tính riêng trong tháng 7.2021 tại Phuket là 828 triệu baht (gần 600 tỉ đồng), nhưng chi tiêu của khách đã giúp tạo ra đến 1,92 tỉ baht (gần 1.300 tỉ đồng) cho nền kinh tế địa phương cả trong và ngoài ngành du lịch. Do đó, việc xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch TP là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh kinh tế bắt đầu phục hồi hậu Covid-19.

Tương tự, sau 2 năm đánh mất “phong độ” thủ phủ du lịch, TP.Đà Nẵng hiện không chỉ đặt mục tiêu phục hồi hoạt động du lịch mà còn đầu tư mạnh tay làm mới sản phẩm, nhằm lấy lại vị thế điểm đến hàng đầu cả nước trong giai đoạn bình thường mới. Trước dịch bệnh, nhiều chuyên gia đã cảnh báo “TP đáng sống” đang tụt hậu khi ngành dịch vụ du lịch vốn đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng có dấu hiệu phát triển kém hiệu quả, “xuống sức”. Vì thế, sau Covid-19, lãnh đạo TP đã xác định mục tiêu làm mới sản phẩm, dịch vụ du lịch đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phục hồi của Đà Nẵng.

“Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, quận huyện thông qua các biện pháp chỉ đạo điều hành, cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Đây cũng là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của các DN du lịch để tạo doanh thu, đạt hiệu quả kinh doanh, từng bước khôi phục kinh tế TP”, ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, chia sẻ.

Mặc dù nhiều biến động nhất thời trong tình hình kinh tế thế giới đang gia tăng áp lực nhập khẩu lạm phát của VN, song, về mặt vĩ mô, các chỉ số của VN hiện tương đối tốt. VN vẫn giữ tốt 3 vấn đề lớn gồm ổn định về giá trị đồng tiền, tỷ lệ xuất khẩu trong quý 1 vẫn tăng hơn 14% và phát triển được thị trường nội địa. Ngành công nghiệp du lịch liên quan tới rất nhiều ngành. Nếu mở cửa tốt về du lịch trong thời gian tới, VN có thể xử lý nguy cơ lạm phát, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.