Du lịch lo 'bể sô' kích cầu

07/04/2021 06:20 GMT+7

Các doanh nghiệp lữ hành lo lắng giá vé máy bay tăng có thể phá vỡ chiến dịch kích cầu sau dịch Covid-19.

Khảo sát gần đây của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho thấy, 30% du khách đã sẵn sàng đi du lịch vào dịp lễ 30.4 - 1.5 này và hơn nửa số đó chuẩn bị tâm thế đi nghỉ dưỡng, khám phá vào mùa hè tới. Lễ 30.4 - 1.5 đang được kỳ vọng là thời điểm để khởi động cho thị trường du lịch nội địa vào mùa hè, sẵn sàng tạo cú hích giúp du lịch nội địa vực dậy trở lại sau mùa dịch bệnh. Để giữ nhịp phục hồi du lịch, chiến lược giữ giá tốt, tung nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu vẫn được các doanh nghiệp (DN) lữ hành, lưu trú áp dụng triệt để.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, cho biết xu hướng chung của tất cả các DN là tiết kiệm chi phí, thậm chí chịu lỗ để hạ giá kích cầu, mục tiêu đầu tiên là “lôi” khách ra khỏi nhà, dần làm ấm lại thị trường sau thời gian dài đóng băng. Đối với hàng không cũng vậy, số máy bay phải “nằm sân” nhiều, số ghế trống trên một máy bay cũng rất nhiều, các hãng hàng không cũng muốn giảm giá, tung nhiều chương trình khuyến mãi, “bắt tay” với DN lữ hành thu hút du khách, lấp đầy máy bay.
Theo ông Huê, DN du lịch đang rất cố gắng liên kết với các hệ thống dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, vận tải để xây dựng mức giá thấp nhất, hấp dẫn nhất, kích cầu sau dịch. Thông thường, vé máy bay chiếm từ 30 - 50% tổng giá thành một tour, tùy cự ly và chất lượng dịch vụ. Đối với những chuyến đi ngắn ngày, tiền vé chiếm tỷ lệ cao hơn. Do đó, vé máy bay tăng/giảm ảnh hưởng trực tiếp tới giá tour.
“Với bất cứ lý do gì, hàng không để giá vé máy bay tăng cũng là “làm khó” du lịch. Điều này cũng đi ngược với chủ trương kích cầu du lịch, khôi phục kinh tế mà Chính phủ đang đề ra”, ông Huê khẳng định.
Thực tế, sự lỏng lẻo trong liên kết giữa DN lữ hành, hàng không, điểm đến, thương mại, ẩm thực… khiến giá tour nội địa thiếu cạnh tranh so với tour xuất ngoại, vốn là một trong những điểm nghẽn của ngành du lịch VN trong nhiều năm qua. Mỗi năm, người Việt chi hàng trăm triệu USD để đi du lịch nước ngoài, khiến một nguồn ngoại tệ lớn chảy qua biên giới.
“Áp giá sàn vé máy bay là phá vỡ tính cạnh tranh, nguy cơ mất cơ hội đi máy bay giá rẻ. Như vậy, mọi thứ sẽ trở về như cũ, mạnh ai nấy làm, miễn chỉ thu lợi về mình chứ không vì mục đích chung của toàn ngành. Chương trình liên kết, kích cầu đứng trước nguy cơ tiếp tục đổ bể”, ông Huê lo ngại.
Dẫn chứng câu chuyện Thái Lan xây dựng được những tour giá rẻ, đi Thái còn rẻ hơn đi du lịch trong nước, giám đốc một DN lữ hành tại TP.HCM lý giải vì Thái Lan có Chính phủ đứng ra điều phối, yêu cầu từ hàng không tới DN lữ hành, nhà hàng, điểm mua sắm, khu vui chơi… phải cam kết không được vượt mức giá theo quy định. Sau đó, họ “móc hầu bao” du khách từ các dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí. Việt Nam không làm được như vậy, do bài toán nan giải là liên kết yếu kém, không có “nhạc trưởng” điều phối.
“Thực tế, rất nhiều chương trình kích cầu du lịch tại Việt Nam từ xưa đến nay đều thất bại vì không có tính hệ thống, mạnh ai nấy làm. Thấy nhu cầu thị trường giảm là đồng loạt giảm giá nhưng ai cũng lo mình thua thiệt nên không chịu liên kết, bắt tay nhau. Đến khi thấy có cơ hội là chỉ chăm chăm lo giành lợi cho mình trước. Giá vé máy bay tăng tầm này, chỉ hàng không hưởng lợi, còn cả ngành du lịch và người dân đều chịu thiệt”, vị này nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.