Du lịch bùng nổ vượt kỳ vọng

30/06/2022 06:20 GMT+7

Dù lượng khách quốc tế vẫn đang khá khiêm tốn song các điểm du lịch hè trên khắp cả nước đều bùng nổ vì khách nội địa, thậm chí vượt cả đỉnh trước dịch 2019.

Lượng khách vượt đỉnh 2019

“Đã qua rồi những ngày ế tuyệt vọng, giờ khách réo ngày đêm, chốt đơn không kịp nghỉ tay. Nửa đêm nửa hôm khách gọi giật dậy nhờ tư vấn nhưng vẫn cười toe toét vì du lịch đã hồi sinh thật rồi” - Linh Anh, một cộng tác viên bán tour tại Hà Nội hào hứng chia sẻ trên trang cá nhân cùng hình ảnh chụp màn hình tin nhắn của 4 vị khách hỏi đăng ký phòng khách sạn và làm thủ tục visa cho chuyến nghỉ hè của cả gia đình. Theo Linh Anh, từ sau lễ 30.4 - 1.5 đến nay, liên tục có khách liên hệ nhờ đặt dịch vụ du lịch tự túc hoặc theo từng nhóm nhỏ. Từ cuối tháng 5, nhiều gia đình bắt đầu “vào đường đua” khi trẻ em được nghỉ hè. Thậm chí, nhiều gia đình còn đặt liên tiếp 4 chuyến đi, rải rác từ đầu tháng 6 cho tới cuối tháng 8, đa phần là đi biển hoặc một số tour trải nghiệm đặc biệt.

Nối tiếp đà phục hồi ấn tượng từ lễ 30.4 - 1.5, ngành du lịch đang đón một mùa hè “vàng” đúng nghĩa với sự bùng nổ ấn tượng về lượng khách, đặc biệt là khách nội địa. Ông Trần Quốc Bảo - Phó tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết Lữ hành Saigontourist dự kiến sẽ phục vụ hơn 280.000 lượt khách trong mùa hè 2022. Con số này thực tế có thể còn cao hơn do nhu cầu của thị trường về du lịch trong và ngoài nước vẫn đang tăng mạnh. Tương tự, nhiều công ty du lịch, lữ hành lớn như Vietravel, Lữ hành Fiditour thông tin hoàn thành 60 - 70% kế hoạch kinh doanh hè với kết quả lượng khách đăng ký tour tăng trưởng cực kỳ ấn tượng.

Không giấu nổi niềm vui, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, hào hứng khoe từ đầu tháng 6 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận lượng khách du lịch nội địa tăng khoảng 20 - 25% so với giai đoạn đỉnh cao của du lịch VN hè năm 2019. Khách quốc tế cũng đang có dấu hiệu phục hồi tốt, ở mức 15 - 20% so với cùng kỳ 2019. Dự kiến đến cuối tháng 7, lượng khách quốc tế tới Đà Nẵng sẽ tăng gấp đôi, từ 10 chuyến bay/ngày hiện nay lên khoảng 20 chuyến bay đưa khách quốc tế đến Đà Nẵng/ngày. Lượng khách tăng, hệ thống dịch vụ, thương mại phục vụ ngành du lịch của TP cũng đã mở lại trên 90%, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của du khách. Nguồn nhân lực tại các công ty cũng đã được huy động tối đa, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu và quan trọng là giá dịch vụ được giữ ở mức cạnh tranh, hấp dẫn.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách tới Hà Nội đạt hơn 8,6 triệu lượt khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó khách du lịch quốc tế ước chỉ đạt 211.000 lượt, nhưng khách nội địa ước đạt tới 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 25.000 tỉ đồng.

Một tín hiệu khá lạc quan là khách quốc tế đến VN cũng được ghi nhận đang trên đà tăng mạnh trở lại. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 5, VN đón 172.900 lượt khách quốc tế, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến VN đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cũng cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch VN đang tăng trưởng khoảng 50 - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.

Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) ken cứng du khách cuối tháng 6

Minh Hải

Ông Cao Trí Dũng nhận định nguồn khách quay lại ấn tượng hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) ngành du lịch phục hồi sau đại dịch. Mặc dù giá xăng dầu có ảnh hưởng tăng giá dịch vụ nhưng nhu cầu bật mạnh nên khách vẫn hấp thụ được trong mùa cao điểm. Xu hướng mới khách đi tự túc nhiều, ít thông qua các đơn vị trung gian như công ty lữ hành nhưng doanh thu từ các đơn vị cung ứng trực tiếp tăng rất rõ.

“Du lịch là 1 trong 3 trụ cột chính của kinh tế Đà Nẵng nói riêng và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế của cả nước nói chung. Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng cao, áp lực từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, du lịch nóng trở lại theo kịch bản hết sức lạc quan sẽ góp phần hạ nhiệt khủng hoảng kinh tế, giúp kinh tế địa phương và cả nước nhanh chóng phục hồi”, ông Dũng nhận định.

Nhân lực thiếu và yếu

“Nhân viên các công ty lữ hành tất bật. Công việc quá mệt, không ai than thở mà còn mừng và khoe với mọi người. Du lịch nội địa tăng khủng” - ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours vui mừng. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra rất nhiều nỗi lo về những khó khăn trong việc kiểm soát dịch vụ.

Tới đây cùng với sự phục hồi của thị trường quốc tế, các công ty lữ hành cũng phải tự phát triển thêm các sản phẩm, để du lịch đi vào chiều sâu chứ không chỉ bề nổi, tăng giá trị doanh thu thực sự

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours

Theo ông Mỹ, nguồn nhân lực ngành du lịch hiện nơi nào cũng thiếu vì chuyển nghề và yếu do mới tuyển. Các công ty lữ hành thiếu nhân viên kinh doanh, thiếu hướng dẫn viên. Ngoài việc thiếu nhân lực; các dịch vụ lưu trú, ăn uống; còn thiếu vốn để làm mới cơ sở vật chất xuống cấp nặng sau hơn 2 năm ngủ đông. Thiếu người, người mới chưa quen việc, nghiệp vụ có sai sót là phổ biến. Thiếu xe nên phải xoay vòng kín đặc, xe không có thời gian bảo trì, tài xế mệt mỏi.

Không ít trường hợp DN phải lấy xe từ tỉnh khác, chia nhỏ khách đoàn (vì không có xe 45 chỗ), thậm chí thuê cả xe giường nằm chở khách du lịch, vốn chỉ sử dụng ghế ngồi để giao lưu, sinh hoạt. Thiếu xe, tàu, lẫn máy bay, trễ chuyến là chuyện thường, có khi khách đợi cả ngày, không chỉ mỏi mệt mà còn đảo lộn lịch tham quan và làm việc. Bên cạnh đó, giá xăng tăng như “ngựa chứng”, chưa thể kìm cương nên giá xe nhảy múa, DN phải cập nhật từng tuần. Vé máy bay đầu tuần, cuối tuần giá khác, chỉ lên chứ không xuống nên nhiều công ty lữ hành méo mặt vì hợp đồng đã ký, không thể thay đổi. “Cần những chính sách cụ thể, kịp thời giúp các DN giữ được nhịp độ tăng trưởng, nhanh chóng nâng cấp dịch vụ. Làm sao để các dịch vụ hiện nay đang chết lâm sàng vì đại dịch có điều kiện hồi phục đồng bộ, du lịch VN mới mong tăng trưởng bền vững”, ông Mỹ nói.

Hàng vạn du khách đổ về biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) cuối tháng 6

Minh Hải

Không hoàn toàn là màu hồng

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours, du lịch hè 2022 bùng nổ và có sự tăng trưởng rất lớn, gấp 1,5 lần so với trước dịch 2019. Có mấy lý do dẫn đến sự bùng nổ mà chính những người làm du lịch cũng ngạc nhiên này, một phần vì 2 năm Covid-19 liên tiếp khiến nhiều gia đình, các công ty, đoàn thể phải hoãn lại các chuyến du lịch, team building tập thể. Thứ hai, trước năm 2019 thị trường du lịch có cả đi nước ngoài và nội địa, nhưng năm nay tập trung chủ yếu vào nội địa, nên lượng khách tăng rất cao.

Có hiện tượng đầu cơ dịch vụ, đẩy giá thành lên cao, ép các đơn vị đã ký hợp đồng mà chưa tìm ra dịch vụ nên giá nào cũng “chơi”. Thay vì cạnh tranh bằng chất lượng, bằng thái độ và tinh thần phục vụ, nhiều công ty hạ giá tour thủng đáy nên buộc phải cắt bớt chất lượng hoặc ép khách chọn thêm dịch vụ ngoài tour, thu ngầm… có chiều hướng gia tăng. Du lịch tự túc bùng nổ cũng kéo theo nạn chặt chém gia tăng. Đến nỗi, một số nhóm khách tự mang theo thực phẩm từ nhà cho chắc ăn. Nếu không có kế hoạch khẩn trương khắc phục, mùa cao điểm du lịch inbound sắp tới, VN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ khách, mời khách quay lại và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Khi du lịch outbound mở hết cửa, du lịch nội địa cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours

“Vui vì thị trường phục hồi nhanh, anh em ngành du lịch, hàng không có việc, nhưng niềm vui cũng không hoàn toàn là màu hồng, vì thực tế doanh thu không tăng nhiều như lượng khách”, ông Hoan chia sẻ và dẫn chứng, ví dụ như Sầm Sơn (Thanh Hóa) tính đến tháng 6 năm nay đã đạt sản lượng khách của cả năm 2022. Nhưng số khách đi Sầm Sơn thường là đi ngắn 1 - 2 ngày và đi cá nhân, nên chi phí bỏ ra không nhiều, doanh thu với các công ty lữ hành hoặc các đoàn xe, khách sạn không quá cao.

“Câu hỏi là các công ty du lịch và nhà cung cấp dịch vụ có lãi không? Hàng không thông báo tăng trưởng vé và khách rất cao, nhưng không có lãi nhiều vì chi phí xăng dầu rất cao. Chi phí đầu vào của công ty du lịch rất lớn. Trước đây công ty du lịch được dành một số lượng ưu đãi từ hàng không hay các nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, resort nhưng hiện nay không còn. Với các khách sạn, đội xe cũng không có nhiều lãi vì chi phí đầu vào, lương thực thực phẩm, nhân sự đều tăng vì thị trường bùng nổ quá nhanh”, ông Hoan nói.

Những người làm du lịch cũng không tưởng tượng được bùng nổ nhanh như thế, nên các nhà hàng, đội xe cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự sau 2 năm không có việc làm. Thế nên, họ phải thuê lao động với mức giá rất cao. Nhà hàng, resort cũng kêu nhiều vì chi phí đầu vào rất lớn, chưa kể khởi động lại sau 2 năm đóng cửa chi phí cải tạo cũng lớn nên dù khách đông, cũng chưa thể bù lại được.

“Du khách cũng kêu vì tưởng thị trường phục hồi sau 2 năm giá tour, khách sạn sẽ rẻ hơn nhưng sao lại đắt như vậy. Nhưng các nhà cung cấp dịch vụ cũng có nỗi buồn riêng, tưởng như sự phục hồi của du lịch hoàn toàn màu hồng nhưng thực ra đằng sau đó có rất nhiều câu chuyện đáng phải suy ngẫm. Tới đây cùng với sự phục hồi của thị trường quốc tế, các công ty lữ hành cũng phải tự phát triển thêm các sản phẩm, để du lịch đi vào chiều sâu chứ không chỉ bề nổi, tăng giá trị doanh thu thực sự”, ông Hoan nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.