Dự kiến năm 2040 xây sân bay thứ 2 - Vùng thủ đô, khai thác năm 2050

08/12/2023 13:07 GMT+7

Để đáp ứng yêu cầu phát triển thủ đô, Vùng thủ đô và quốc gia, sân bay thứ 2 - Vùng thủ đô được đề xuất nằm ở phía nam Hà Nội, dự kiến được đầu tư xây dựng vào năm 2040, đưa vào khai thác, sử dụng năm 2050.

Đề xuất mô hình thành phố trong thủ đô

Sáng 8.12, tại kỳ họp thứ 14, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó có việc xây dựng sân bay thứ 2.

Dự kiến năm 2040 xây sân bay thứ 2 - Vùng thủ đô, khai thác năm 2050 - Ảnh 1.

Các đại biểu HĐND TP.Hà Nội biểu quyết thông qua nghị quyết

KHẮC HIẾU

Trong các điểm mới, đáng chú ý có đề xuất mô hình thành phố trong thủ đô. Việc áp dụng mô hình này nhằm tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía tây Hà Nội (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa). Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, thương mại dịch vụ, logistics, thương mại quốc tế, tài chính... hình thành các trung tâm phát triển mới của thủ đô Hà Nội.

Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, Hà Nội sẽ đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như: thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển.

Ngoài ra, sân bay thứ 2 - Vùng thủ đô Hà Nội được đề xuất nằm ở phía nam. Đồ án thể hiện việc dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển sân bay thứ 2 - Vùng thủ đô tại phía nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của thủ đô, Vùng thủ đô và quốc gia hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế.

Về vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác năm 2050.

Kết nối sân bay phía nam với đô thị Phú Xuyên (H.Phú Xuyên) được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt, trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía bắc, đô thị cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội.

Dự kiến năm 2040 xây sân bay thứ 2 - Vùng thủ đô, khai thác năm 2050 - Ảnh 2.

Hạ tầng sân bay Nội Bài ở Hà Nội

NGUYỄN TRƯỜNG


Phát triển Hà Nội thành chùm đô thị đa cực

Đề án cũng thể hiện mô hình phát triển của Hà Nội là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm, gồm: đô thị trung tâm (đô thị phía nam sông Hồng, đô thị Long Biên, Gia Lâm). Thành phố phía bắc thuộc các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Thành phố phía tây gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai; các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; thị trấn sinh thái và thị trấn.

Trong đó, định hướng phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo, gồm: khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (H.Thạch Thất) có quy mô khoảng 1.000 ha; là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao, xã hội và nhân văn.

Khu giáo dục - đào tạo tại TX.Sơn Tây, định hướng đào tạo lĩnh vực an ninh quốc phòng, văn hóa, du lịch. Khu giáo dục - đào tạo tại TT.Xuân Mai (H.Chương Mỹ) định hướng là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Khu giáo dục - đào tạo tại H.Sóc Sơn, định hướng phát triển thành cụm trường đào tạo, nghiên cứu phát triển ngành hàng không, logistics. Cụm cơ sở nghiên cứu, giáo dục tại H.Phú Xuyên, định hướng là khu vực đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ cao, nghiên cứu ngành y - dược - sinh hóa phẩm…

Ở khu đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù "phố Pháp" gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia. Ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực này như: tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội; trung tâm dọc phố Trần Hưng Đạo, kết nối với trục không gian sông Hồng.

Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND thành phố cho thấy, nội dung đồ án này đã được nghiên cứu, các đề xuất có tính khoa học và thực tiễn, cơ bản đảm bảo phù hợp nội dung theo Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16.6.2023 của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, Ban Đô thị còn đề nghị làm rõ hơn định hướng phát triển về quy mô của các đô thị để phù hợp với thực tiễn phát triển của thủ đô sau hơn 10 năm. Bổ sung luận chứng làm rõ hơn cấu trúc đô thị của thủ đô phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.