Du học sinh Việt Nam 'thổi làn gió mới' ở hòn đảo Nhật

06/12/2020 08:30 GMT+7

Một hòn đảo xa xôi ở miền tây nam Nhật Bản trở nên có sức sống hơn nhờ có nhiều du học sinh Việt Nam đến đây học tiếng Nhật.

Chính quyền TP.Goto thuộc tỉnh Nagasaki (tây nam Nhật Bản) hy vọng việc mời những người trẻ Việt Nam đến học tiếng Nhật tại Trường Nhật ngữ Goto sẽ giúp họ lấp đầy khoảng trống thiếu vắng người trẻ trước làn sóng giới trẻ địa phương “bỏ quê lên phố”.
Theo giới chức Goto, khoảng 90% số học sinh tốt nghiệp trung học ở TP.Goto chuyển đến các thành phố lớn khác để học lên đại học hoặc tìm việc làm, để lại quê nhà toàn người lớn tuổi.

Làn gió mới từ người trẻ Việt

Một nhóm đầu tiên gồm 16 du học sinh Việt Nam đến TP.Goto theo học tiếng Nhật hồi tháng 4 vừa qua giúp “tạo sinh khí” cho nơi này, theo Kyodo News. Các du học sinh Việt Nam đến học tại Trường Nhật ngữ Goto, ngôi trường có cơ sở nội trú dành cho sinh viên nước ngoài.
Ý tưởng về ngôi trường dành cho sinh viên nước ngoài với cơ sở nội trú lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2018. Trường hy vọng thu hút nhiều người VN có nguyện vọng học tiếng Nhật để chuẩn bị cho việc học tập tại Nhật Bản hoặc tìm kiếm việc làm ở xứ sở hoa anh đào. Trường Nhật ngữ Goto ra đời là kết quả của sự hợp tác giữa chính quyền tỉnh Nagasaki, chính quyền TP.Goto và Đại học Nagasaki. Trường dành riêng cho du học sinh Việt Nam theo học tiếng Nhật trước khi nhập học tại Đại học Nagasaki và một số đại học khác tại Nhật.
Một du học sinh Việt Nam tên Lam Nhat Hai cho biết anh rất vui khi được đến Fukue, một trong những hòn đảo hình thành TP.Goto thuộc quần đảo Goto. “Tôi có thể tập trung vào việc học trong một môi trường yên tĩnh. Mọi người cũng rất tốt bụng, và tôi thực sự vui mừng vì đã chọn Goto”, Kyodo News dẫn lời chàng trai 19 tuổi.
Vừa học tiếng Nhật vừa đi làm thêm sau giờ học để trang trải chi phí sinh hoạt, Lam đặt mục tiêu nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể theo học ngành du lịch tại một trường đại học ở TP.Kyoto, địa điểm du lịch hàng đầu của Nhật Bản. “Tôi đang học và làm việc chăm chỉ để đạt được ước mơ cuối cùng là mở khách sạn của riêng mình ở quê nhà”, Lam bộc bạch.

Hỗ trợ du học sinh Việt Nam

Du học sinh Việt Nam đến đây sẽ trải qua một khóa học kéo dài 2 năm với mục tiêu vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật cần thiết để thi đại học, theo tờ The Mainichi. Nhiều người trong số họ đến từ các gia đình có thu nhập thấp. Do đó, nhằm hỗ trợ du học sinh Việt, chính quyền TP.Goto cung cấp miễn phí một tòa nhà mới xây cho Trường Nhật ngữ Goto, cũng như cấp học bổng trị giá 480.000 yen (107 triệu đồng) để giúp các du học sinh trang trải một phần học phí hằng năm là 540.000 yen.
Chính quyền TP.Goto đã chọn một tập đoàn giáo dục có trụ sở tại tỉnh Kumamoto, miền tây nam nước Nhật để quản lý Trường Nhật ngữ Goto. Các sinh viên Việt Nam được chọn là vì tập đoàn này có quan hệ với Đại học Nagasaki, ngôi trường có thỏa thuận giáo dục với TP.Đà Nẵng, theo Kyodo News.
Ông Yosuke Yoshihama (63 tuổi), Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Goto, khen ngợi các du học sinh Việt rất ham học, nhiệt tình và đầy quyết tâm chứng tỏ bản thân. “Tôi hy vọng họ sẽ đóng vai trò như một cầu nối giữa các hòn đảo của Goto và thế giới”, ông Yoshihama nói và cho biết thêm kế hoạch của trường là mở rộng số du học sinh lên 100 người.
Trước khi trường mở cửa, đã có nhiều lo ngại về việc liệu du học sinh Việt Nam có thể hòa nhập vào nhịp sống yên bình của đảo hay không, nhưng ông Yoshihama cho hay những lo lắng đó giờ đã tan biến. Quả thực, các du học sinh Việt Nam đã chiếm được cảm tình của cộng đồng địa phương.
Hầu hết du học sinh Việt Nam đang làm việc đến 28 giờ/tuần theo quy định của pháp luật dành cho sinh viên nước ngoài. Ông Seiichiro Mochizuki, người đang thuê hai sinh viên tại nhà hàng của mình, kể ông “rất cảm kích” hai sinh viên này vì làm việc nghiêm túc và kiên trì. “Tôi muốn thuê thêm một sinh viên nếu có thể”, ông chủ 73 tuổi cho hay.
Theo truyền thông Nhật, cộng đồng địa phương rất quan tâm, chăm sóc du học sinh Việt Nam. Một số cư dân lo lắng về thu nhập giảm sút của các du học sinh Việt sau khi một số doanh nghiệp địa phương bị yêu cầu đóng cửa do đại dịch Covid-19, nên đã quyên góp gạo và rau cho các em. Ông Hiroshi Kambara (73 tuổi), người đứng đầu hiệp hội công dân địa phương, cho biết: “Tôi muốn khích lệ và cho các cháu thấy các cháu đang làm rất tốt. Cả hòn đảo đang nhận được năng lượng từ họ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.