Dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình chậm phát điện, miền Bắc nguy cơ thiếu điện?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
02/10/2022 15:34 GMT+7

Tạm dừng thi công, các hoạt động thi công sau đó cũng bị ảnh hưởng theo đã kéo dài thời gian đưa dự án thủy điện Hòa Bình vào phát điện đúng thời hạn, dự báo sẽ chậm hơn 1 năm.

Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng sau thời gian tạm dừng thi công khoảng 10 tháng do trượt hố móng, sạt lở, nay đã được thi công trở lại. Tuy nhiên, nguy cơ các tổ máy phát điện sẽ bị chậm đưa vào khai thác sẽ nhiều hơn thời gian tạm dừng thi công do những vấn đề phát sinh.

EVN

Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 sẽ phát điện vào quý 3/2024, tổ máy 2 phát điện và hoàn thành công trình vào quý 4/2024. Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công tác thi công các hạng mục chính (kênh dẫn vào và cửa lấy nước, nhà máy thủy điện và kênh xả, hầm phụ và hầm dẫn nước, đê quây 5 cửa lấy nước và đê quây nhà máy…) đến tháng 10.2021 (trước khi dự án tạm dừng thi công) đã cơ bản bám sát tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, việc tạm dừng thi công gần 1 năm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của các hạng mục, tác động trực tiếp đến tiến độ phát điện, hoàn thành dự án.

Bên cạnh đó, một số vấn đề như giấy phép nổ mìn của nhà thầu thi công đào đá đã hết hạn, phải xin gia hạn; các phương án vận chuyển đất đá thải chỉ được thỏa thuận trong thời hạn 1 năm, nay cũng phải thoả thuận lại. Đặc biệt, giá nhiên liệu, xi măng, sắt thép, thuốc nổ, cát, đá… và đơn giá nhân công sau 1 năm đã tăng mạnh và chưa có xu hướng giảm, dẫn đến khó khăn trong công tác lập, quản lý chi phí và giải trình các cấp có thẩm quyền.

Công trình có 2 tổ máy với công suất lắp máy là 480 MW. Điện lượng trung bình hàng năm 479 triệu kWh/năm (mùa lũ) và tăng khả năng huy động điện năng giờ cao điểm của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu vào mùa khô khoảng 264,4 triệu kWh/năm.

Nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Bắc sẽ rất cao. Trong tờ trình phê duyệt Quy hoạch điện 8, Bộ Công thương nhấn mạnh chủ trương tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng. Dự kiến đến năm 2030 sẽ nhập khoảng 4.000 - 5.000 MW, chủ yếu từ Lào và có thể tăng nhập nhiều hơn mức đã có hợp tác ghi nhớ giữa 2 quốc gia. “Tăng cường nhập khẩu điện trực tiếp từ các nước láng giềng trong trung và dài hạn, đầu tư khai thác các nguồn điện tại nước ngoài”, Bộ Công nêu.

Ngoài ra, trong các nguyên tắc xây dựng phương án phát triển điện lực, Bộ Công thương cũng cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất, tận dụng nguồn thủy năng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.