Dự án... đồng nát

12/01/2016 06:16 GMT+7

Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian VN được nhà nước đầu tư tới 150 tỉ đồng nhưng rốt cuộc nhiều “bách khoa thư” được làm ra đã bị bán “thanh lý theo giá đồng nát”. Nghe thật xót xa!

Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian VN được nhà nước đầu tư tới 150 tỉ đồng nhưng rốt cuộc nhiều “bách khoa thư” được làm ra đã bị bán “thanh lý theo giá đồng nát”. Nghe thật xót xa!

Nhưng xót xa hơn đó lại chỉ là một trong số biết bao câu chuyện cho thấy sự lãng phí trong ngành văn hóa.
Báo Thanh Niên cũng từng lên tiếng về việc bộ phim được chi tới hàng chục tỉ đồng nhưng làm suốt 3 năm trời chưa xong. Những người có trách nhiệm giải thích sự chậm chễ này đơn giản là do “thay nhiệm kỳ lãnh đạo”. Không chỉ vậy, từ nhiều năm nay, có không ít những bộ phim được “bầu sữa mẹ” nhà nước “rót” cho hàng chục tỉ đồng nhưng làm xong chỉ để chiếu trong vài dịp kỷ niệm rồi xếp kho, hoặc có chiếu mà khán giả cũng không muốn xem, nhưng lại được bao biện là “đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền”.
Nhiều rạp chiếu phim, sân khấu quốc doanh trong tình trạng sống lay lắt. Không ít nơi đã phải thu thêm kinh phí nhờ vào việc cho thuê nhà hàng, đám cưới, hội nghị, làm bãi trông giữ xe. Một bảo tàng được “rót” tới hơn 2.000 tỉ đồng mà đìu hiu vắng khách tham quan. Vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo thì người ta lại giật mình trước đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa được phê duyệt với số kinh phí dự trù lên tới 10.800 tỉ đồng. Và ngay sau đó, nhiều tỉnh, thành đã xây dựng và phê duyệt đề án cho địa phương mình. Thậm chí, có địa phương đã nhanh chóng triển khai xây dựng công trình tới hàng trăm tỉ đồng rồi để… hoang. Mới đây, nhiều người đã đau lòng khi thấy một bảo tàng lịch sử mang danh quốc gia lại được “xã hội hóa” phục vụ cho quán bia, quán phở, tổ chức tiệc cưới, sinh nhật.
Biết bao nhiêu dự án, đề án, chiến lược văn hóa đã và đang được lập nên với kinh phí dự trù hàng chục, hàng trăm, thậm chí lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng thử hỏi trong số đó, có bao nhiêu phần trăm làm được đến nơi đến chốn?
Trong khi đó nhiều lĩnh vực văn hóa lại đang chật vật vì thiếu kinh phí. Nhiều cá nhân đang tự bỏ tiền túi để phục hồi, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian. Nhiều nghệ nhân dân gian vẫn còn khó khăn trong mưu sinh để bảo tồn vốn cổ…
Trong khi câu chuyện ai cũng biết và được góp ý không chỉ một lần: khi xây dựng các công trình văn hóa, người quản lý cần tính đến công năng sử dụng, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân, phải có sự kiểm soát chặt chẽ từ dự toán đến thi công các công trình. Hay chuyện đấu thầu khi tài trợ cho phim để các hãng phim nhà nước bắt buộc phải cạnh tranh với các hãng phim tư nhân, thay vì được “rót tiền” theo kiểu khoán như hiện nay.
Ai sẽ trả lời cho câu hỏi vì sao biết bao nhiêu tiền của đã được đổ ra như vậy mà đời sống văn hóa của người dân vẫn còn nghèo nàn, trình độ thưởng thức văn hóa - nghệ thuật vẫn còn chưa cao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.