Đột quỵ, có phải 'trời kêu ai nấy dạ'?

04/11/2021 17:00 GMT+7

Đột quỵ và thiếu máu cơ tim hiện nay là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế cao nhất trên toàn thế giới. Ở nước ta hàng năm có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ với tỷ lệ tử vong, tàn phế cao, có khuynh hướng gia tăng và trẻ hóa.

Đột quỵ - gánh nặng cho gia đình và xã hội

Theo tổ chức y tế thế giới WHO thì khoảng 8-12% bệnh nhân bị nhồi máu não và 37-38% xuất huyết não dẫn đến tử vong trong vòng 30 ngày. Hơn 30% bệnh nhân đột quỵ bị tàn tật và hoàn toàn phụ thuộc, 30% phụ thuộc một phần 50% không hồi phục chức năng tay. Y học hiện đã nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ cứu sống nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên đây là bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề và kéo dài cho không ít người sau khi xuất viện.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ tại buổi toạ đàm trực tuyến “Đột quỵ, có phải trời kêu ai nấy dạ?”

Chia sẻ tại buổi toạ đàm “Đột quỵ, có phải trời kêu ai nấy dạ?” được thực hiện bởi fanpage VTV9 - Nhịp sống Phương Nam với sự đồng hành của Bayer Việt Nam nhằm hưởng ứng ngày Đột quỵ thế giới 29.10, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, hầu hết các bệnh nhân đột quỵ đều có nguyên nhân tuy nhiên chúng ta đã đánh giá thấp, không để ý những triệu chứng này. Các dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh đột quỵ là bệnh nhân bị liệt, yếu nửa người cùng một bên, méo miệng, nói không rõ và các triệu chứng này thường xảy ra một cách đột ngột.

Vì vậy, khi phát hiện người bệnh có các triệu chứng đột quỵ, biện pháp lúc này là ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị đột quỵ gần nhất để kịp thời cấp cứu bệnh nhân trong “thời gian vàng” nhằm giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế.

Đột quỵ có thể tầm soát được

Đột quỵ là bệnh nguy hiểm và diễn biến âm thầm, tuy nhiên đột quỵ có thể tầm soát được. Khi chúng ta biết được những nguyên nhân gây ra đột quỵ và kiểm soát một cách chặt chẽ thì việc mắc đột quỵ rất thấp. Nên thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu mỗi năm một lần để có thể kiểm soát và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp, PGS Thắng chia sẻ.

Tầm soát yếu tố nguy cơ đột quỵ là tập trung vào các nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như: rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp; các bệnh lý tim mạch như bệnh van tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim; các bệnh lý mạch máu não như hẹp xơ vữa động mạch cung cấp máu cho não và các dị dạng mạch máu não.

Bên cạnh những dấu hiệu của đột quỵ, chúng ta cần chú ý hơn đến cơ thể và thực sự lắng nghe cơ thể mình. Nên thực hiện tầm soát định kỳ để kịp thời chữa trị cũng như tránh các nguy cơ gây đột quỵ.

Nhận biết nhanh những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ

Những điều cần biết khi sử dụng thuốc kháng đông

Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, sử dụng đều đặn, đúng liều lượng vào thời điểm cố định trong ngày. Không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột vì bất kỳ lý do gì nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.

Theo dõi các triệu chứng chảy máu có thể gặp của thuốc kháng đông và tái khám ngay nếu có các dấu hiệu như: nôn ra máu, tiêu phân đen sệt hoặc lẫn máu, chảy máu chân răng, đau bụng, chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội …

Tránh các hoạt động mạnh có nguy cơ chảy máu. Lập tức đi khám ngay khi bị chấn thương, ngã, tai nạn đặc biệt tai nạn vùng đầu và thông báo với nhân viên y tế về việc sử dụng thuốc kháng đông.

Bên cạnh đó bệnh nhân cần chăm sóc răng miệng cẩn thận, nên dùng bàn chải mềm, dao cạo râu điện, chỉ nha khoa, không dùng tăm xỉa răng để tránh chảy máu vùng răng.

Bệnh nhân nên lưu ý về việc sử dụng các loại thuốc làm ảnh hướng tới thuốc kháng đông, không nên tự uống hoặc ngưng bất cứ loại thuốc nào khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Webiste Phòng chống Đột quỵ - Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.