Đột phá mới của liên minh Mỹ - Nhật

11/04/2024 06:00 GMT+7

Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Mỹ, hai bên dự kiến đạt nhiều thỏa thuận mang tính bước ngoặt để thúc đẩy liên minh 2 nước lên cấp độ mới.

Tối qua (10.4, theo giờ VN), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Nhà Trắng. Sau lễ đón, hai bên dự kiến có cuộc họp báo chung. Nằm trong chương trình chuyến công du lần này, Thủ tướng Kishida dự kiến có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ, đồng thời cùng Tổng thống Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tham dự thượng đỉnh ba bên.

Tổng thống Biden cùng phu nhân đón Thủ tướng Kishida và phu nhân tại Nhà Trắng ngày 10.4

Tổng thống Biden cùng phu nhân đón Thủ tướng Kishida và phu nhân tại Nhà Trắng ngày 10.4

Reuters

Thêm hàng loạt thỏa thuận đột phá

Ngay trước giờ hội đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida, tờ Nikkei Asia dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ hai nhà lãnh đạo sẽ công bố 70 thỏa thuận. "Đây có lẽ là số lượng thỏa thuận quan trọng nhiều nhất mà tôi từng thấy", vị quan chức chia sẻ và giải thích thêm rằng thông thường, hội nghị thượng đỉnh song phương chỉ đạt từ 12 - 20 thỏa thuận.

Các thỏa thuận được cho là trải rộng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt có nhiều thỏa thuận về quân sự. Điển hình việc hiện đại hóa cơ cấu chỉ huy của liên minh và hai bên hợp tác sản xuất vũ khí. "Lần đầu tiên, chúng tôi sẽ thay đổi cơ cấu lực lượng mà chúng tôi có ở Nhật Bản", vị quan chức thông tin và giải thích rằng sẽ cơ cấu lại thành một bộ chỉ huy tác chiến chung giám sát các lực lượng từ hải quân, thủy quân lục chiến, không quân và lục quân của Mỹ đang được triển khai tại Nhật. Hai bên cũng nâng cấp cơ chế hợp tác trong các trường hợp bất ngờ. Cơ cấu mới của quân đội Mỹ tại Nhật sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Nhật Bản - vốn dự kiến thành lập Bộ chỉ huy tác chiến chung Nhật Bản (J-JOC) mới vào đầu năm sau.

Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật cam kết củng cố liên minh quân sự

Hai bên cũng sẽ thành lập một "hội đồng công nghiệp quân sự" nhằm đánh giá các địa điểm ở Nhật Bản - nơi hai bên có thể cùng phát triển và sản xuất vũ khí. Đầu tháng 4, tờ Nikkei Asia đưa tin tại cuộc gặp của Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida, hai bên đạt thỏa thuận cho phép các tàu chiến cỡ lớn của Mỹ có thể được bảo trì, sửa chữa tại các cơ sở tư nhân của Nhật. Hiện tại, việc bảo trì và sửa chữa này chỉ được cho phép thực hiện với các tàu quân sự hậu cần hoặc tàu phi tác chiến của Mỹ.

Về kinh tế, hai bên cũng đạt một loạt thỏa thuận quan trọng liên quan công nghệ, trí tuệ nhân tạo…

Thắt chặt liên minh

Trả lời Thanh Niên tối qua, TS Patrick M.Cronin (Chủ tịch về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: "Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này khẳng định liên minh 2 nước ngày càng thống nhất, quyết tâm bảo vệ những gì mà Washington và Tokyo coi là mối đe dọa ngày càng tăng đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Một thỏa thuận chỉ huy và kiểm soát lực lượng chung mới, có lẽ sẽ cụ thể hơn trong 2 tháng tới, chứng minh nỗ lực cho việc liên minh Mỹ - Nhật hoạt động hiệu quả hơn và sẵn sàng cho nhiều tình huống bất ngờ khác nhau. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ hơn trong mọi lĩnh vực, từ sửa chữa và bảo trì tàu chiến đến nghiên cứu các công nghệ quan trọng. Điều này thể hiện sự thắt chặt hơn nữa lợi ích lâu dài giữa hai nước".

"Tiếp đó, hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Tổng thống Biden, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho thấy liên minh Mỹ - Nhật được củng cố tốt nhất bằng cách hợp tác với các đối tác khác trong mạng lưới các thỏa thuận an ninh. Cuối cùng, việc Thủ tướng Kishida phát biểu trước quốc hội Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ của lưỡng đảng nước chủ nhà đối với Nhật Bản, cũng như quyết tâm của hai bên nhằm đảm bảo rằng Washington không lùi bước trên trường quốc tế", TS Cronin nhận xét thêm.

Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) nhận định: "Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này mang tính biểu tượng quan trọng khi đây là lần đầu tiên, một thủ tướng Nhật lại phát biểu tại quốc hội Mỹ sau 9 năm kể từ khi ông Shinzo Abe cũng phát biểu tại Đồi Capitol vào năm 2015. Điều này thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa hai bên".

GS Sato phân tích thêm: "Thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này dự kiến sẽ đạt thỏa thuận phối hợp chỉ huy quân sự trong các tình huống quốc phòng. Hai bên cũng hợp tác hơn nữa vì an ninh toàn diện trong các lĩnh vực như kinh tế, công nghệ, năng lượng, khí hậu. Việc hợp tác thám hiểm không gian/mặt trăng cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Tất cả chứng minh liên minh Washington - Tokyo chặt chẽ và sâu sắc hơn".

Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Nhật - Philippines cũng tìm cách giải quyết các vấn đề an ninh khu vực quan trọng như Biển Đông và vấn đề bán đảo Triều Tiên. Không những vậy, thông qua hoạt động lần này, ông Kishida còn đặt mục tiêu ghi điểm trong chính trị trong nước.

GS Yoichiro Sato

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.