Đột phá hạ tầng từ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

24/02/2023 06:27 GMT+7

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (chảy qua 7 quận, huyện TP.HCM) giai đoạn 2 đã được khởi công sáng qua (23.2), kỳ vọng tạo bước đột phá cho hạ tầng đô thị TP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận lúc ông đang đứng trên bục thì mùi hôi từ dòng kênh vẫn bốc lên, quan khách ai cũng cảm nhận được mùi khó chịu. Vì thế, bản thân ông và lãnh đạo TP hiểu nỗi khổ của các hộ dân nơi đây phải sống trong môi trường ô nhiễm và đó cũng là lý do UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch chi tiết, triển khai nhanh, hiệu quả và phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2025.

Đột phá hạ tầng từ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên - Ảnh 1.

Phối cảnh tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sau khi hoàn thành xây dựng cải tạo

Ban Đô thị

Khơi kênh rạch, thông ngập úng

"Gia đình tôi là 1 trong 3.212 hộ dân bị ảnh hưởng trong việc giải phóng mặt bằng dự án tiêu thoát nước và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giai đoạn 1. Chúng tôi đã bàn giao mặt bằng cho TP từ 2008, đến nay toàn bộ công tác này đã hoàn thành nhưng nước dưới kênh vẫn còn mùi hôi thối. Con đường hai bờ kênh vẫn chưa được hình thành, môi trường chưa được trong sạch. Một số tuyến đường vẫn còn ngập úng mỗi khi có mưa. Cỏ và rác tràn lan hai bên bờ kênh", bà Nguyễn Thị Túy Liên, cư trú tại nhà 1346 Quang Trung, P.14, Q.Gò Vấp, chia sẻ tại lễ khởi công dự án.

Đột phá hạ tầng từ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên - Ảnh 2.

Thi công cải tạo tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sáng 23.2

H.Mai

Theo bà Liên, rất nhiều năm về trước, con kênh này nước trong vắt, nhiều người còn thường tới thả cá phóng sinh. Tuy nhiên, thời gian qua họ không chỉ phải sống khổ sở trong môi trường chưa trong sạch mà còn thiếu không gian công cộng bên bờ kênh, sinh kế bị ảnh hưởng. Nhiều hàng quán mở ra nhưng không có khách vì chẳng ai chịu nổi mùi hôi thối. Vì thế, khi biết tin dự án chính thức được ghi vốn và triển khai, người dân ở đây rất phấn khởi và hy vọng sớm được sống bên con kênh đẹp đúng nghĩa, với làn nước trong xanh, không khí trong lành, có tàu thuyền qua lại… và đặc biệt là được TP tạo kế sinh nhai cho người dân hai bên bờ. "Hy vọng sau khi dự án hoàn thành, đời sống người dân sẽ được cải thiện", bà Liên nói. Mong muốn của bà Liên cũng là nỗi niềm chung của những hộ dân đã hơn 20 năm khổ cực sống bên dòng kênh ô nhiễm.

Đột phá hạ tầng từ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban Đô thị), cho biết từ năm 2002 giai đoạn 1 của dự án đã thực hiện các công tác giải phóng mặt bằng, thi công nạo vét kênh thông tuyến dòng chảy, đắp bờ đất hai bên kênh, xây dựng các cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có khúc mắc vấn đề vốn, nên giai đoạn 2 của dự án bị ngưng trệ nhiều năm, đến nay mới chính thức khởi công. Ở giai đoạn 2, các đơn vị sẽ xây dựng tuyến kè bờ kênh với tổng chiều dài 63,11 km; nạo vét kênh suốt chiều dài tuyến 31,46 km, bề rộng đáy kênh từ 30 m trở lên (đoạn từ cảng Phú Định đến cầu Trường Đai) và trên 40 m (đoạn từ cầu Trường Đai đến sông Sài Gòn).

"Đây là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 với mục tiêu cải thiện môi trường, kết nối giao thông, thoát nước cho gần 15.000 ha với hơn 2 triệu dân trong khu vực. Sau khi dự án hoàn thành, dòng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được hồi sinh. Ngoài hiệu quả chống ngập được nâng cao, dự án còn giải quyết vấn đề ô nhiễm, đem lại bầu không khí trong lành, dòng nước xanh trong cho người dân. Kết hợp cùng các dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát; lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến triển khai trong thời gian tới sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng thoát nước cho khu vực phía tây và phía bắc TP", ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng thông tin.

Nối giao thông, thúc đẩy kinh tế

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết cùng với cải tạo tuyến kênh, dự án sẽ hình thành đường giao thông 2 bên bờ kênh với tổng chiều dài 63,41 km, mặt đường rộng từ 7 - 12 m (chủ yếu là 12 m), vỉa hè rộng trên 3 m. Đồng thời xây dựng 12 bến thuyền và 3 cầu giao thông dọc tuyến; các nút giao thông cùng các công trình thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… Khi đó sẽ hình thành tuyến giao thông đường thủy kết nối các quận, huyện của TP, cũng như kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây qua ngõ Long An và đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai theo hướng từ cửa sông Chợ Đệm đến sông Sài Gòn, góp phần hình thành trục giao thông thủy xuyên suốt toàn vùng. 

Ngoài ra, trục giao thông đường bộ nối với các tỉnh miền Tây qua ngõ Long An theo kết nối với đường Võ Văn Kiệt - QL1A - cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đi các tỉnh miền Đông cũng sẽ được nối liền. Từ đó, kết nối giao thông đường bộ xuyên TP, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, tạo điều kiện chỉnh trang đô thị.

"Việc triển khai thi công, hoàn thành dự án chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho hạ tầng đô thị TP, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực nói riêng cũng như toàn TP nói chung. Đồng thời hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua 7 quận huyện, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đại diện Sở QH-KT TP.HCM nhận định Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 đang được triển khai đồng nhịp, có tác động hỗ trợ rất lớn tới đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045 do Sở này chủ trì. Chủ trương chung là đặt mục tiêu khôi phục lại dấu ấn, hoạt động sông nước để nhấn mạnh đặc trưng đô thị sông nước Sài Gòn từ hơn 300 năm trước. 

Những hoạt động sông nước, giao thông thủy sẽ tấp nập hơn, du lịch trên sông, kênh, rạch, những hoạt động đi chơi, đi bộ, ngắm cảnh, đạp xe, giao thông công cộng... sẽ được tính toán, cân nhắc để tổ chức hợp lý tại từng khu vực. Sông Sài Gòn sẽ trở thành hành lang sông nước quan trọng, đặc trưng của TP.HCM, cùng với mạng lưới kênh rạch sau khi được cải tạo môi trường nước sẽ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ổn định đô thị và cũng tạo nên hình ảnh đặc sắc, hấp dẫn, nâng cao chất lượng, sức cuốn hút của TP trong tương lai.

Dài gần 32 km, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chảy qua 7 quận, huyện gồm Q.12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và H.Bình Chánh. Đây là kênh dài nhất nhưng cũng là một trong những tuyến kênh ô nhiễm nhất TP.HCM. Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng, triển khai bằng nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 4.000 tỉ đồng, còn lại là ngân sách TP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.