Đột phá cải cách, 'tôn trọng' thị trường

01/01/2023 06:13 GMT+7

Năm 2022, đúng như dự báo, nền kinh tế của ta đã phải chịu nhiều khó khăn bởi những cú sốc từ bên ngoài và áp lực bên trong.

Lạm phát cao, lãi suất và tỷ giá tăng, đơn hàng sụt giảm... khiến doanh nghiệp, người dân cực kỳ khó khăn.

Thị trường cũng xuất hiện những vấn đề bất ổn về cung - cầu xăng dầu, sai phạm thị trường chứng khoán, trái phiếu... Tất cả điều đó đã được chúng ta nhận diện, dự báo và đưa ra giải pháp nên lạm phát được kiểm soát, vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực và thế giới (khoảng 8%).

Song, so với nền tăng trưởng rất thấp của năm ngoái (tác động bởi dịch Covid-19), mức này vẫn chưa thể yên tâm. Để đạt được sự phát triển bền vững, thực chất, có chiều sâu, chúng ta phải tháo được nút thắt về vốn, rào cản thể chế chính sách cũng như phải tôn trọng những quy luật thị trường.

Về giải pháp, thành công lớn nhất trong năm 2022 là chúng ta ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát ở VN so với thế giới vẫn còn thấp nên phải nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ nhất định để hỗ trợ thanh khoản, khơi thông dòng vốn. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa phải làm trụ cột để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, phải giảm các loại thuế, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa để doanh nghiệp có lực phục hồi, phát triển.

Phá thế bế tắc đầu tư công cũng là giải pháp cần quyết liệt hơn, đặc biệt là khơi thông nguồn vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng nằm trong kho bạc chảy vào các công trình, bằng cách thay đổi điều kiện, cách thức thanh toán của kho bạc cho nhà thầu. Đồng thời, đẩy nhanh, tháo gỡ những nút thắt khiến đầu tư công ì ạch.

Ngoài ra, tiếp tục cải cách thật mạnh thủ tục đầu tư. Lâu nay, chúng ta mới quyết tâm trong cắt bỏ rào cản đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành nhưng những công đoạn thiết thực về đầu tư xây dựng dự án lại chưa làm rốt ráo, thành ra chỗ này mắc nhất.

Cuối cùng, sự phối hợp trong các cơ quan thuộc Chính phủ cần nhất quán, nhịp nhàng hơn, thông điệp phải rõ ràng. Nhà nước cần điều tiết thị trường nhưng không nên can thiệp quá sâu làm mất đi sự tự chủ, mất đi quy luật cung - cầu của thị trường.

Ví dụ, xăng phải có nguồn dự trữ quốc gia chứ đừng bắt doanh nghiệp dự trữ. Trái phiếu sai phạm nhưng phải quản lý bằng chính sách đúng đắn, không nên cấm triệt để, chặn đứng dòng chảy vốn khiến doanh nghiệp mất thanh khoản. Những cân đối lớn của ta về an ninh lương thực, an ninh năng lượng phải được chú ý đến, để khi bên ngoài có bất ổn thì mình có vùng đệm, giảm tác động đó.

Nhà nước phải thực hiện nhiều mục tiêu, trong khi nguồn lực hạn chế là điều rất khó khăn. Quan trọng nhất là chúng ta hãy để thị trường làm, can thiệp gì cũng theo nguyên tắc Nhà nước để cho thị trường làm tốt hơn, chưa tốt thì định hướng để họ làm tốt hơn, chứ không làm thay thị trường, không can ngăn thị trường, không can thiệp hành chính quá mức vào thị trường.

Có rất nhiều việc cần làm trong thời gian tới, nhưng nếu chúng ta thực sự vì dân, đánh giá đúng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, căn cứ vào thực tiễn, không lạc quan quá cũng không quá bi quan..., đưa ra những quyết sách phù hợp thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được sóng gió, gặt hái được thành công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.