Đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại TP.HCM đã diễn ra khốc liệt như thế nào?

Duy Tính
Duy Tính
30/10/2021 20:27 GMT+7

Cao điểm đợt dịch dịch Covid-19 thứ 4 tại TP.HCM diễn ra trong 2 tháng, từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9

Ngày 30.10, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết cao điểm đợt dịch thứ 4 xảy ra trên địa bàn TP.HCM diễn ra khốc liệt trong 2 tháng, từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9.

Đêm 28.5, lần đầu tiên TP.HCM huy động một lượng lớn đội lấy mẫu, lấy xuyên đêm ở Q.Gò Vấp

KHÁNH TRẦN

Tăng giãn cách, tăng xét nghiệm

Theo TS.BS Vĩnh Châu, đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 27.4 khi ca tiếp xúc ca nhiễm từ Hà Nam vào. Sau đó, 18.5 phát hiện 2 ca nhiễm cộng đồng tại TP.Thủ Đức và Q.7, nhiễm chủng Delta. Ngày 27.5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phát hiện cùng lúc 3 ca mắc khi đến khám bệnh. Từ đó truy vết dịch tễ và thấy có liên quan Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. “Tháng 5.2021, số ca mắc mới ở TP.HCM chỉ ở cấp độ 1. Nhưng tháng 6 đã lên cấp độ 2, tháng 7 lên cấp độ 3 và tháng 8 lên cấp độ 4. Những ca mắc mới trong đợt 4 đều do biến chủng Delta gây ra”, TS.BS Vĩnh Châu thông tin.

Khu vực tại Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng tại Q.Gò Vấp được cách ly, phong tỏa từ đêm khi phát hiện ca đầu tiên liên quan đến điểm nhóm này

ĐỘC LẬP

Tương đương với dịch bệnh xảy ra, TP.HCM thực hiện 4 giai đoạn giãn cách xã hội. Từ ngày 31.5, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố; Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở Q.12 và Gò Vấp. Từ ngày 19.6 đến 14.8 thực hiện Chỉ thị 16. Nhưng cao điểm nhất là từ ngày 6.8 thì thành phố thực hiện Chỉ thị 16+. Dịch diễn ra nặng nề nhất tại TP.HCM là từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9.

Nhìn lại 5 tháng TP.HCM gồng mình chống cơn 'sóng thần' Covid-19

95 bệnh viện điều trị Covid-19

Để phòng chống dịch, hoạt động đầu tiên là xét nghiệm phát hiện F0. Thành phố lập nên Trung tâm điều phối xét nghiệm vào ngày 4.7, huy động các đội lấy mẫu xét nghiệm với 1.533 đội, đến tháng 9 thêm 6.000 người. Số phòng xét nghiệm RT-PCR khẳng định từ 22 phòng lên 59 phòng. Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, từ 23.8 đến 28.9, thành phố triển khai 7 đợt xét nghiệm tầm soát cho người dân vùng nguy cơ cao, tổng có cộng hơn 15,1 triệu test nhanh ở vùng cam, đỏ và 265.000 RT-PCR cho vùng xanh, vàng. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19.

Hàng loạt bệnh viện dã chiến được lập nên

ĐỘC LẬP

Trước ngày 27.5, TP.HCM có 5 bệnh viện điều trị F0 với 970 giường và 42 giường hồi sức. Từ sau 27.4, khi dịch bệnh tăng, TP.HCM mở rộng đến 95 bệnh viện điều trị Covid-19, trong đó liên tục chuyển đổi công năng 54 bệnh viện, thành lập thêm 36 bệnh viện dã chiến, 201 cơ sở cách ly F0. Thời điểm cao nhất của đợt dịch thứ 4 có 104.000 giường cả 3 tầng điều trị; trong đó 4.600 giường hồi sức; có 8.128 bác sĩ, 15.914 điều dưỡng và 1.500 kỹ thuật viên, hộ lý tham gia chăm sóc F0. Từ 2.000 giường có ô xy trước dịch, TP.HCM trang bị, đầu tư 13.000 giường có ô xy, bổ sung hàng loạt vật tư, trang thiết bị y tế.

Cơ quan chức năng đang điều tra dịch tễ tại một tòa nhà cho thuê

DUY TÍNH

Trước ngày 28.7, tất cả F0 đều được cách ly tập trung. Nhưng sau ngày 28.7, thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà. Đến cuối tháng 8 cấp gói thuốc A, B cho F0 điều trị tại nhà và cấp thêm gói thuốc C kháng vi rút.

Để chăm sóc cho F0 điều trị tại nhà, TP.HCM lập 327 Tổ phản ứng nhanh, 5 trạm cấp cứu vệ tinh 115 dã chiến, 525 Trạm y tế lưu động do quân y hỗ trợ. Tính đến 28.10, có 195.977 ca F0 cách ly tại nhà đã khỏi bệnh. TP.HCM lập Tổng đài 115 dã chiến, từ 8 đường line phải nâng cấp lên 8, 14 và 40 line với 300 tổng đài viên để đáp ứng. Giai đoạn cao điểm có ngày đến 5.000 – 6.000 cuộc gọi. Thành phố huy động 6 doanh nghiệp vận tải tham gia vận chuyển F0…

F0 điều trị tại nhà

DUY TÍNH

“Việc triển khai mô hình điều trị F0 theo mô hình tháp 3 tầng, song song đó là cách ly F0 tại nhà, TP.HCM đã đối phó được với đợt dịch vừa qua. Từ đó giảm tải cho điều trị, chăm sóc tốt hơn cho người không cần thiết nhập viện.

TS.BS Vĩnh Châu cũng cho biết rằng, trong đợt dịch thứ 4 này, đã có nhiều mô hình hay và hiệu quả. Mô hình tháp 3 tầng chăm sóc điều trị Covid-19; mô hình chăm sóc F0 tại nhà; mô hình trạm y tế lưu động; mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022; mô hình hoán cải xe vận chuyển hành khách, xe taxi chở F0; mô hình bệnh viện chị em; mô hình chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19...

Tuy nhiên, dù có nhiều thuận lợi, hiệu quả nhưng công tác phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm và bài học đắt giá.

Bản tin Covid-19 ngày 30.10: TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin mũi 3 | Số ca dương tính ở miền Tây tăng vọt

Nhân viên y tế trải qua những thời khắc gay go, khốc liệt nhất

Tại hội nghị, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã tri ân nhân viên ngành y tế, các lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19. Theo PGS.TS Thượng, gần 6 tháng chống dịch trên địa bàn thành phố, nhân viên ngành y tế TP.HCM đã trải qua những thời khắc gây go, khốc liệt nhất trong lịch sử ngành y tế thành phố và đã có những đau thương, mất mát chưa từng có trong lịch sử.

Đã có hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch, trong đó gần 55.000 là nhân viên các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Sở, khối y tế tư nhân, bệnh viện bộ ngành. 25.000 cán bộ y tế từ khắp nơi trên cả nước đến chi viện. Đây là sự huy động lớn nhất chưa từng có đối với đội ngũ ngành y tế.

"Và dịch Covid-19 có những chuyển biến theo hướng tích cực kể từ ngày 1.10. Tử vong giảm từ 3 con số mỗi ngày, giờ xuống còn 2 con số. Số ca mắc mới, số ca nặng, thở máy cũng giảm. Hiện TP.HCM còn 38.000 F0 đang được quản lý chăm sóc, trong đó F0 tại nhà chiếm đến 60%", PGS.TS Thượng nói quả cho biết thêm rằng, theo tính toán thì đỉnh dịch tại thành phố kéo dài hơn 2 tháng, hiện nay, có thể khẳng định, thành phố đã vượt qua được đỉnh dịch. Điều này cho thấy công tác phòng chống dịch của TP.HCM đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho việc kiểm soát dịch trong thời gian tới, sớm đưa TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.