Dòng vốn từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc… dịch chuyển đến Việt Nam

Đình Sơn
Đình Sơn
24/08/2023 16:24 GMT+7

Đó là những thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 24.8.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 16,24 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút hơn 1,6 tỉ USD, đứng vị trí thứ 2 trong các ngành, lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất. Đến nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000 ha.

Dòng vốn từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc… dịch chuyển đến Việt Nam  - Ảnh 1.

Vốn đầu tư đang chảy mạnh vào các KCN trên cả nước

TN

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C, cho biết có 4 động lực quan trọng để Việt Nam thu hút vốn FDI, bao gồm tham gia nhiều hiệp định thương mại, làn sóng đầu tư lớn từ Trung Quốc +1, mức giá đất vừa phải trong khu vực và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng.

"Thu hút nhà đầu tư nước ngoài là quan trọng và Việt Nam chỉ cần đảm bảo có đủ quỹ đất sẵn sàng, đảm bảo đủ năng lượng cung cấp và đủ nước - là mỏ vàng mới tại Việt Nam. Nhưng góc nhìn của tôi, Việt Nam chưa có sự chăm sóc đúng mực cho nguồn nước. Ngoài ra, con người Việt Nam tạo ra sự khác biệt. Bằng quan sát sau 5 năm đến và làm việc tại Việt Nam, tôi thấy họ có đức tính trung thành, chăm chỉ và sáng tạo, đây là điểm cộng lớn cho Việt Nam", ông Bruno Jaspaert nói.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài xuất phát từ chiến lược Trung Quốc + 1 của nhiều công ty đa quốc gia để chia sẻ rủi ro. Chiến lược Trung Quốc + 1 khởi nguồn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tiếp là Hàn Quốc, sau đó là nhà đầu tư châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác như chiến tranh thương mại, xung đột Nga - Ukraine, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã định hình lại dòng vốn để tận dụng cơ hội và Đông Nam Á nổi lên như một "bệ đỡ" trong sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Có một điều dễ nhận thấy, hơn 60% số vốn đầu tư vào VN là công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành này tập trung vào các khu công nghiệp có hạ tầng sẵn, mặt bằng sạch, khả năng cung cấp năng lượng, xử lý nước thải ổn định, có hạ tầng xã hội tiện ích cho người lao động, đây là lợi thế rất lớn.

FDI 8 tháng tiếp tục tăng ấn tượng

Thời gian tới, Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường. Trong 2 năm vừa qua, khi Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo. Cùng với các tập đoàn này thì có hàng loạt doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng muốn đầu tư vào Việt Nam để sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo.

Dòng vốn từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc… dịch chuyển đến Việt Nam  - Ảnh 2.

Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo

TN

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI với bốn lợi thế lớn.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược với một số mục tiêu tổng quát.

Một là thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Hai là mở rộng thị trường; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa.

Ba là nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện là xây dựng thể chế, chính sách cho KCN và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.