Dòng vốn M&A đang dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ số

13/01/2022 17:17 GMT+7

Giai đoạn 2019 - 2021 đã chứng kiến một loạt thương vụ M&A trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD trong lĩnh vực công nghệ số. Dự báo sẽ có sự chuyển dịch làn sóng M&A sang lĩnh vực công nghệ trên nền tảng internet.

Chia sẻ tại Hội thảo về “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn phối hợp cùng NovaGroup tại Hà Nội vào ngày 11.1.2022, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, M&A tại Việt Nam thực hiện tương đối tốt so với các thị trường khác trên thế giới, trong đó xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Toàn cảnh hội thảo

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, trước năm 2015, M&A của Việt Nam chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh bất động sản… không có M&A công nghệ số.

Đến giai đoạn 2015-2018, đã xuất hiện một số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ số có giá trị chuyển nhượng lớn như: VNG mua 38% vốn điều lệ, tương ứng sở hữu 3,72 triệu cổ phần của Tiki. Năm 2018, Vingroup mua 51% cổ phần Mundo Reader, công ty chủ quản của thương hiệu smartphone BQ.

Giai đoạn 2019 - 2021 có sự chuyển biến mạnh mẽ khi xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn như: VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Teamsek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; Affirma Capotal đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group, FPT mua lại nền tảng quản trị doanh nghiệp Base...

Cuối năm 2021, KKR công bố thông tin trở thành nhà đầu tư chính trong vòng đầu tư 45 triệu USD vào KiotViet cùng sự tham gia của ngân hàng lớn thứ 2 tại Thái Lan - Kasikornbank (KBank). Hay như thương vụ Công ty TiKi Global PTE. LTD (Singapore) nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần của TiKi.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Tuyên, thương mại điện tử đi kèm với sự phát triển của các ứng dụng trung gian thanh toán là mảng thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhất.

Tiêu biểu trong thời gian qua, thương vụ rót 300 triệu USD vào VNPay của Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và Softbank Vision Fund; thương vụ 100 triệu USD đổ vào Momo từ quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus; thương vụ VinID tiến hành thâu tóm nền tảng MonPay.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, so với quy mô M&A của Việt Nam, lĩnh vực công nghệ số trong thời gian qua chủ yếu là các thương vụ nhỏ, tập trung trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng M&A trong lĩnh vực công nghệ rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, M&A lĩnh vực công nghệ số chính là mảng đầu tư rất hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Dự báo Việt Nam cũng có sự chuyển dịch làn sóng M&A ở hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất hàng hóa đến công nghệ trên nền tảng internet.

Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Công nghệ Nova Tech cho biết, NovaGroup với quy mô nhân sự của tập đoàn lên tới 40.000 người trong năm 2022, dự kiến tới năm 2025 lên tới 100.000 người; Tập đoàn liên tục mở rộng lĩnh vực hoạt động, tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh phục vụ khách hàng.

NovaGroup sở hữu lợi thế về tiềm lực tài chính, uy tín quốc tế, năng lực triển khai hiệu quả và hệ sinh thái đa dạng, và công nghệ thông tin là điều kiện cần và đủ để Tập đoàn phát triển vững mạnh. Nova Tech đang triển khai hàng loạt giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao tại các đô thị do NovaGroup phát triển. Trong thời gian tới, Nova Tech sẽ đầu tư phát triển công nghệ thông tin ở nhiều lĩnh vực, cập nhật những xu hướng mới về công nghệ trong công cuộc chuyển đổi số, mang đến những giải pháp hữu ích cho việc phục hồi, thích ứng và tạo ra được giá trị mới, tăng hiệu quả hợp tác, mang lại giá trị cho khách hàng, gia tăng tốc độ tăng trưởng, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Thế Vinh cho biết thêm, để nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện, Nova Tech lấy chiến lược M&A làm trọng tâm. Nova Tech tìm kiếm các doanh nghiệp công nghệ thông tin có khả năng hiện thực hóa những mục tiêu phát triển, doanh nghiệp thực hiện những ý tưởng công nghệ sáng tạo và thực tế; doanh nghiệp có sự phát triển, định hình rõ ràng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải có tiềm năng về kinh doanh để phát triển vững mạnh và lớn mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm để Nova Tech có thể tiến dài và nhanh. Bằng cách phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đảm bảo giá trị cốt lõi Hiệu quả - Chính trực - Chuyên nghiệp, Nova Tech sẽ nhanh chóng trở thành công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.