Động thái đáng chú ý của Mỹ trong quan hệ liên Triều

Trí Đỗ
Trí Đỗ
10/04/2024 09:47 GMT+7

Các động thái gần đây của Mỹ đã dấy lên nghi vấn về khả năng thay đổi chính sách của Mỹ đối với khu vực bán đảo Triều Tiên, theo Yonhap ngày 10.4.

Tập trận với Hàn Quốc

Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận tác chiến kết hợp trên biển để trau dồi kỹ năng ngăn chặn các mối đe dọa và đảm bảo an ninh hàng hải với sự tham gia của 9 tàu hải quân và 4 máy bay trực thăng của hai quốc gia, theo Yonhap ngày 10.4.

Hải quân Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo ngày 9.4: "Cuộc tập trận được thiết kế để huấn luyện hải quân Hàn Quốc và Mỹ thực hành các quy trình và chiến thuật nhằm dọn đường để di chuyển an toàn và tăng cường khả năng ứng phó chung trước các kịch bản chiến tranh mìn phức tạp".

Các thủy thủ tham dự cuộc tập trận hải quân giữa Hàn Quốc và Mỹ ngày 9.4.2024

Các thủy thủ tham dự cuộc tập trận hải quân giữa Hàn Quốc và Mỹ ngày 9.4.2024

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH YONHAP

Theo Hải quân Hàn Quốc, cuộc tập trận thường niên bắt đầu vào ngày 1.4 và kéo dài trong 9 ngày ở vùng biển ngoài khơi thành phố Pohang, cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) 262 km về phía đông nam.

Mỹ lần đầu tiên phái tàu USS Miguel Keith (ESB 5), cùng với 2 tàu hải quân khác và trực thăng MH-53. Tàu Miguel Keith dài 240 m được thiết kế như một căn cứ viễn chinh trên biển nhằm cung cấp không gian hạ cánh trực thăng nổi cũng như những hỗ trợ khác cho các hoạt động quân sự.

Phía Hàn Quốc cũng huy động 6 tàu, trong đó có tàu thủy lôi Nampo MLS-II, máy bay tuần tra hàng hải P-3 và trực thăng UH-60 tham gia cuộc diễn tập.

Cuộc tập trận kết hợp đã tổ chức nhiều khoa mục khác nhau nhằm trau dồi kỹ năng rải, phát hiện và gỡ mìn. Đồng thời diễn tập còn có các nội dung như hỗ trợ hậu cần và cho trực thăng hạ cánh trên tàu nhằm rèn luyện khả năng của thủy thủ trong việc bảo vệ các cảng và tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng trong những tình huống tương tự.

Triều Tiên thử vũ khí chiến lược mới, 4 nước phản ứng

Đối thoại với Triều Tiên

Trong cuộc họp báo hôm 9.4, bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc cấp cao về Đông Á và châu Đại Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh lại Mỹ sẵn sàng đối thoại với CHDCND Triều Tiên về một loạt các vấn đề mà "không cần điều kiện tiên quyết". Động thái gần đây của Mỹ đã dấy lên nghi vấn về khả năng thay đổi chính sách của Mỹ đối với khu vực này.

Bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc cấp cao về Đông Á và châu Đại Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo tại Trung tâm Báo chí Nước ngoài (Washington, Mỹ) vào ngày 9.4.2024

Bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc cấp cao về Đông Á và châu Đại Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo tại Trung tâm Báo chí Nước ngoài (Washington, Mỹ) vào ngày 9.4.2024

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH YONHAP

Vào tháng trước, bà Rapp-Hooper đã đề cập về "các bước tạm thời" trong con đường hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bà Rapp-Hooper cũng nhấn mạnh rằng ý tưởng về các bước đi tạm thời là "hoàn toàn phù hợp" với cách tiếp cận chính sách mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra.

Bà nói thêm: Chúng tôi đã liên hệ với Triều Tiên nhiều lần nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Chúng tôi muốn họ ngồi vào bàn đàm phán và cho chúng tôi biết họ muốn nói về điều gì và chúng tôi sẽ sẵn sàng tiếp chuyện".

Theo một số nhà phê bình ở Hàn Quốc, ý tưởng về các bước đi tạm thời của Mỹ với Bình Nhưỡng gây ra cảm giác khó chịu vì có thể làm xao lãng mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia khác, các bước tạm thời là bước cần thiết để tạo động lực cho một quá trình tốn nhiều thời gian nhằm giúp Triều Tiên đi đúng hướng và tới giai đoạn cuối cùng của quá trình phi hạt nhân hóa.

Về cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida diễn ra hôm nay 10.4 ở Mỹ, bà Rapp-Hooper nói rằng bà không mong đợi bất kỳ thông báo cụ thể nào về Triều Tiên từ cuộc gặp của họ.

Bà nói: "Tuy nhiên, chúng tôi rất vui mừng về việc tiếp tục thúc đẩy hơn nữa những tiến bộ mà chúng tôi đạt được về phòng thủ khu vực, cũng như hội nhập phòng thủ tên lửa khu vực một cách rộng rãi hơn".

Hàn Quốc có thể tham gia AUKUS?

Về hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, bà Rapp-Hooper cho biết rằng tiến bộ trong quan hệ đối tác ba bên sẽ được ghi nhận trong các tuyên bố chung từ hội nghị giữa ông Biden và ông Kishida.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Anh Rishi Sunak (từ trái sang) phát biểu về quan hệ đối tác Úc - Anh - Mỹ ( AUKUS ) ngày 13.3.2023

Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Anh Rishi Sunak (từ trái sang) phát biểu về quan hệ đối tác Úc - Anh - Mỹ ( AUKUS ) ngày 13.3.2023

REUTERS

Bên cạnh đó, trả lời về khả năng Hàn Quốc tham gia Trụ cột 2 của quan hệ đối tác Mỹ - Anh - Úc (AUKUS), bà Rapp-Hooper cho biết lãnh đạo quốc phòng của các thành viên sẽ thảo luận về tiềm năng tham gia các các đồng minh, đối tác khác ngoài Nhật Bản.

Bà nói thêm: "Họ sẽ nói chuyện với một loạt đối tác có năng lực cao, phù hợp với các dự án này. Tôi sẽ giao việc tham vấn đó cho các bộ trưởng quốc phòng".

Hôm 8.4, các bộ trưởng quốc phòng AUKUS đã đưa ra một tuyên bố chung, lưu ý rằng họ đang xem xét Nhật Bản về các dự án năng lực nâng cao trong Trụ cột 2.

Ra mắt vào tháng 9.2021, AUKUS bao gồm hai trụ cột chính. Trụ cột 1 là hỗ trợ Úc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị vũ khí thông thường, còn Trụ cột 2 là hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và siêu âm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.