Đông Nam bộ thiếu quy hoạch hiện đại

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/07/2022 06:45 GMT+7

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, đô thị lớn nhất nước nhưng mọi cửa ngõ vào TP.HCM đều tắc nghẽn.

Nếu không cải thiện, thành phố sẽ là nơi ùn tắc nhất Đông Nam Á.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

TTXVN

Nhận định trên được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 (29.8.2005), kết luận số 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 9.7 tại TP.HCM.

Tắc từ cảng tới đường, trên không - dưới bộ

Theo ông Thể, nhờ hệ thống hạ tầng tương đối tốt so với các khu vực khác mà trong thời gian qua vùng Đông Nam bộ là một trong những động lực phát triển kinh tế chủ yếu của cả nước. Thế nhưng, sau 20 năm, tốc độ phát triển giao thông ở khu vực này lại rất chậm, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng chậm lại. Đặc biệt, là đô thị lớn nhất nước nhưng tất cả cửa ngõ ra vào TP.HCM đều bị tắc nghẽn thường xuyên. Khu vực nội đô ùn tắc nghiêm trọng, hệ thống giao thông trục chính, vành đai, cao tốc kết nối với các địa phương xung quanh cũng chưa đột phá. Nếu giao thông không được cải thiện, chắc chắn TP.HCM sẽ là đô thị “tắc nghẽn nhất VN, có thể là nhất khu vực Đông Nam Á”.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ rõ, cảng Cát Lái - cảng container lớn nhất khu vực - đường ra vào thường xuyên tắc nghẽn, nhất là vào giờ cao điểm. Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng vậy, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa triển khai được trong khi quốc lộ 51 đang trong tình trạng quá tải. Đường Vành đai 2 đóng vai trò quan trọng nhưng chưa được khép kín, Vành đai 3 cũng mới được Quốc hội bố trí gần 80.000 tỉ đồng để triển khai, Vành đai 4 đang trong giai đoạn nghiên cứu để lập quy hoạch… Bên cạnh đó, cao tốc kết nối TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các địa phương khác cũng đang quá tải. Ngay cả tuyến Long Thành - Dầu Giây mới được đưa vào khai thác chưa lâu nay cũng rơi vào tình trạng tương tự…

Ngoài đường bộ thì đường hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất liên tục quá tải, đường sắt thì lạc hậu… Ông Thể nhấn mạnh: “Đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang là vấn đề rất cấp bách. Nếu không, đầu tàu kinh tế sẽ “chạy” chậm dần và có thể trở thành gánh nặng của nền kinh tế cả nước”.

Ngay sau tham luận của Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng thông tin thêm là trong chiều cùng ngày (9.7), Thủ tướng sẽ chủ trì phiên họp giải quyết các vấn đề tại sân bay Tân Sơn Nhất để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp. “Tôi hay nói vui với anh em ở sân bay là sắp xếp sao mà khi máy bay có Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GTVT đến, cho bay trên cao lâu lâu chút để các lãnh đạo hiểu được khó khăn ở đây”, ông Nên chia sẻ.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho rằng còn có nhiều thách thức tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng Đông Nam bộ. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Vai trò đầu mối xuất nhập khẩu suy giảm, hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và thấp hơn so với bình quân của cả nước. Kinh tế của vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của cả nước. TP.HCM đóng góp trên 50% vào tăng trưởng của vùng, tuy nhiên trong những năm gần đây mức tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng chung của cả vùng. Bàn về lý do, ông Mãi nói, thể chế hiện hành chưa đủ mạnh để khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết. Trong khi đó, vai trò của Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức. Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên “lực kéo”, thay vì “lực đẩy” cho phát triển của vùng. Quy hoạch lại trùng lắp chức năng dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau, thiếu liên kết, thiếu phát huy những thế mạnh hỗ trợ phát triển. Trong khi đó, hệ thống giao thông đô thị không theo kịp, gây cản trở phát triển của vùng. Ngoài ra, do định hướng chiến lược quá nhiều tham vọng song nguồn lực lại hạn chế và cũng chưa có cơ chế thu hút đầu tư xã hội nên khó chồng khó. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Khoảng 10 năm trở lại đây, những thách thức về giao thông, ngập nước, giáo dục, y tế cũng như không bền vững về lao động và dân số ngày càng gia tăng… khiến TP phát triển chậm lại”.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất: Sớm triển khai lập quy hoạch vùng theo Quyết định 463 của Thủ tướng ngày 15.4.2022; hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng; liên kết giao thông vùng đường bộ, đường thủy, đường sắt; liên kết trong bảo vệ môi trường; xây dựng thị trường lao động chung; liên kết hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM và đầu tư phát triển thành phố để giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước. Trọng tâm là tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 với những cơ chế đặc thù, vượt trội. Đồng thời đầu tư để TP.HCM là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, trung tâm logistics, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế, triển khai chương trình chuyển đổi số TP.HCM.

Chủ động, mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ dư địa phát triển của khu vực Đông Nam bộ còn nhiều, nhưng chưa phát triển được là do thiếu quy hoạch hiện đại. Điều này thể hiện ở những công trình vừa làm đã quá tải, kết nối nhưng chưa liên thông, khép kín. Trong khi đó, nhiều công trình vừa làm vừa sửa. Thiếu đủ thứ, nhưng TP.HCM lại thừa vướng mắc, điểm nghẽn, thừa khát vọng, năng lượng… Thứ hai, việc phối hợp liên kết giữa các cơ quan còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả. Cơ chế quy hoạch chiến lược vùng đã có nhưng thiếu “nhạc trưởng”.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, cần có một nghị quyết mới với chủ trương, chính sách, cơ chế mới phù hợp với tình hình nhằm tạo không gian phát triển mới. Qua đó, tạo động lực, xung lực đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Cụ thể, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Phát triển vùng phải thực hiện được 3 đột phát chiến lược theo Nghị quyết Đại hội 8 của Đảng. Đó là phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao, thực hiện đột phá về thể chế, cải cách hành chính.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chủ động, tích cực xử lý các vướng mắc của địa phương, không để các tỉnh thành chạy lòng vòng, kiểu “lên lên xuống xuống mãi không ra được”. Ông dẫn chứng khi các nhà đầu tư lớn như Lego, Intel gặp vướng mắc, Thủ tướng đã chỉ đạo Phó thủ tướng cùng các thứ trưởng Bộ KH-ĐT lập tổ công tác xử lý và có giải pháp xử lý ngay theo thẩm quyền, trách nhiệm mỗi bên. Thủ tướng nhấn mạnh: “Cách làm thế này thì sẽ nhanh, còn cách làm cũ có khi lòng vòng mấy năm hết nhiệm kỳ chưa ra được. Tôi đề nghị các bộ, ngành chủ động, cùng với các tỉnh, thành trong vùng tích cực xử lý các vướng mắc, rào cản… Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đã rất rõ, các bộ ngành, địa phương phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện. Đồng thời kịp thời phát hiện những vướng mắc, xác định chủ thể để giải quyết. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Đặc biệt, mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách căn cứ thực tiễn, phát huy tính chủ động của các địa phương, song huy động sức mạnh tổng hợp của cả vùng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.