Đông Nam Á trong chiến lược của các nước lớn

Ngọc Mai
Ngọc Mai
01/08/2021 10:21 GMT+7

Nhiều nước bên ngoài ngày càng chú trọng đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại và an ninh của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa kết thúc chuyến thăm ba nước Đông Nam Á thì Nhà Trắng cũng thông báo chuyến công du tháng 8 của Phó tổng thống Kamala Harris với điểm đến chính là khu vực này. Nhiều đối tác lớn bên ngoài khác cũng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt với Đông Nam Á trong thời gian gần đây.

Thông điệp muộn từ Mỹ ?

Trong chuyến công du tuần qua tới Singapore, Việt Nam và Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Austin lần lượt truyền tải các quan điểm chính sách của Mỹ với khu vực và các đối tác Đông Nam Á. Theo chuyên gia cấp cao Greg Poling (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, CSIS - Mỹ), chuyến đi của ông Austin phản ánh cách tiếp cận theo 2 hướng của Mỹ với Đông Nam Á, trong đó một mặt phát đi tín hiệu rất rõ về việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, mặt khác thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác tại khu vực. Trong bài viết trên trang CSIS, chuyên gia này đánh giá vị bộ trưởng Mỹ đã làm tốt việc trấn an các đồng minh và đối tác rằng Mỹ xem Đông Nam Á là quan trọng, đồng thời tái cam kết hành động của Mỹ sau nửa năm chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa thể hiện được gì nhiều. Trước ông Austin, chưa có thành viên nào của nội các chính quyền Biden tới thăm Đông Nam Á, và đến nay cũng chưa có cuộc điện đàm song phương nào giữa Tổng thống Biden với lãnh đạo các nước trong khu vực.
Không phải ngẫu nhiên mà Đông Nam Á lại thu hút sự quan tâm của các cường quốc như vậy. Suốt nhiều thời kỳ lịch sử, đây là nơi diễn ra sự tranh giành của các nước lớn. Cho tới thời bình, Đông Nam Á tiếp tục cho thấy các lợi thế địa chiến lược về hàng hải, tài nguyên, tiềm năng kinh tế, thị trường. Quan trọng hơn, đây được xem là trung tâm mà bất kỳ cường quốc nào cũng muốn thiết lập ảnh hưởng để triển khai các chiến lược lớn hơn tại khu vực. Chưa kể từng nước Đông Nam Á nắm giữ vai trò riêng. Giới chuyên gia cho rằng lợi thế đó vừa mang lại thuận lợi cho Đông Nam Á, nhưng cũng là thách thức lớn của khu vực giữa vòng xoáy tính toán chiến lược của các nước bên ngoài.
Cùng quan điểm trên, nhà phân tích cấp cao Derek Grossman (tổ chức RAND - Mỹ) bình luận với Thanh Niên rằng phải đến lúc này chính quyền Tổng thống Biden mới đẩy mạnh “cuộc chơi” ở Đông Nam Á và Mỹ cần nhiều việc phải làm hơn để nâng cao vai trò của khu vực này trong nghị trình chính sách đối ngoại của mình. Theo ông Grossman, có thể trông chờ vì qua các chuyến thăm vừa qua và hai chuyến công du dự kiến diễn ra trong tháng 8 của Phó tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken, Đông Nam Á rõ ràng giữ vai trò và vị thế quan trọng đối với Mỹ.
Trước đó vào tuần đầu tháng 7, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Kurt Campbell thừa nhận để có một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiệu quả, Mỹ phải nỗ lực nhiều hơn nữa tại Đông Nam Á và cam kết với khu vực này chính là chìa khóa để Mỹ thành công.

Bàn cờ nhiều tay chơi

Nhưng không chỉ Mỹ mới quan tâm tới Đông Nam Á, các nước lớn bên ngoài gần đây ra sức thúc đẩy quan hệ với khu vực. Chỉ ít ngày trước chuyến thăm của ông Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng có chuyến công du tới VN, mang tới thông điệp muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với ASEAN cùng các đối tác tại khu vực, đặc biệt là VN.
Cũng như Mỹ, Anh khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong ổn định khu vực, trong khi muốn tăng cường quan hệ đối tác song phương. Hồi tháng 6, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab có chuyến công du VN, Campuchia và Singapore trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Đông Nam Á. Theo giới quan sát, chuyến công du có thể xem là bước đi quan trọng của Anh nhằm tìm kiếm cơ hội và điểm tựa, nhằm tái lập ảnh hưởng và hiện diện ở Đông Nam Á thời kỳ hậu Brexit.
Không nhận được nhiều sự chú ý của giới quan sát như Mỹ, Anh hay Trung Quốc nhưng Nga vẫn duy trì được sự gắn kết nhất định với Đông Nam Á khi 2021 đánh dấu 30 năm quan hệ Nga - ASEAN. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đầu tháng 7 đã nhấn mạnh hai bên là đối tác chiến lược tin cậy của nhau và Nga coi việc phối hợp với ASEAN để giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt là đặc biệt quan trọng. Thêm vào đó, vấn đề Myanmar cũng được Nga quan tâm. Cần lưu ý rằng, khi ASEAN vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận Myanmar sau cuộc chính biến ngày 1.2 thì chính Thống tướng Myanmar đã tới thăm Nga.
Trong khi đó, Nhật Bản giữ một vai trò lớn trong quan hệ với Đông Nam Á trong nhiều thập niên. Nhật Bản được xem là đối tác tin cậy và toàn diện bậc nhất của ASEAN với quan hệ trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Giới chức cấp cao Nhật Bản đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn đẩy mạnh quan hệ chiến lược hiệu quả với ASEAN, đồng thời chia sẻ những quan điểm chính sách chung với các nước trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.