Đông Nam Á thu hút doanh nghiệp Nhật

Văn Khoa
Văn Khoa
23/08/2020 09:20 GMT+7

Ngày càng nhiều công ty Nhật mở rộng hoạt động kinh doanh ở Đông Nam Á và xu hướng này đang được chính phủ Nhật thúc đẩy bằng chương trình trợ cấp.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) gần đây công bố một báo cáo về thương mại và đầu tư thường niên cho thấy nhiều công ty Nhật đang mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á và giảm hoạt động ở Trung Quốc, theo Kyodo News.
Báo cáo này sử dụng kết quả của cuộc khảo sát do JETRO tiến hành trong tháng 11 và 12.2019 về hàng ngàn công ty mong muốn kinh doanh ở nước ngoài, trong đó có 3.562 công ty phản hồi.
Theo đó, 41% số công ty Nhật đang xem xét mở rộng hoạt động ở Việt Nam trong vòng 3 năm tới, tăng 5,5% so với trước đó một năm. 36,3% có câu trả lời tương tự đối với Thái Lan, trong khi số công ty phản hồi có thể đẩy mạnh hoạt động ở Trung Quốc giảm 7,3%. Từ năm 2018, tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy đầu tư của các công ty Nhật sang Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Giảm dựa vào Trung Quốc

Báo cáo của JETRO chỉ ra rằng so với khoản vốn đầu tư vào Trung Quốc, tổng vốn đầu tư của Nhật vào ASEAN liên tục lớn hơn, cụ thể mức cao hơn đã tăng từ 10,2 tỉ yen (hơn 2.200 tỉ đồng) trong năm 2017 lên 20,4 tỉ yen trong năm 2019.
Thương chiến Mỹ - Trung và lo lắng về tình trạng Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á đã giúp củng cố quan hệ kinh tế giữa Nhật và khu vực, theo Bloomberg. Ở Đông Nam Á, Nhật Bản được xem là quốc gia đáng tin cậy, theo một cuộc khảo sát thường niên do Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) công bố hồi tháng 1.2020. Cụ thể, có tới 61,2% trong số 1.308 người được khảo sát cho hay họ có niềm tin rằng Nhật Bản sẽ “làm việc đúng” để cung cấp hàng hóa công cộng.
 
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật còn trợ cấp tổng cộng 12 tỉ yen cho 30 công ty gia tăng hoạt động ở Đông Nam Á. Đây là vòng đầu tiên trong chương trình hàng trăm tỉ yen của chính phủ Nhật nhằm đa dạng các chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, theo Bloomberg.
Nhật muốn giảm tình trạng dựa vào Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào và số tiền nói trên có thể đẩy nhanh xu hướng của các công ty Nhật rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang đầu tư vào những quốc gia Đông Nam Á có chi phí lao động thấp như Việt Nam và Thái Lan. Một công ty sản xuất thép ở Tokyo cho hay đã chuyển một phần sản xuất ở Trung Quốc sang Thái Lan và đã xuất hàng sang Mỹ từ Thái Lan, thay vì từ Trung Quốc như trước.
Nhật Bản được xem là nhà đầu tư lớn ở Đông Nam Á. Trong thập niên qua, Nhật đã đầu tư tổng cộng 139 tỉ USD vào 5 nền kinh tế khu vực gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, theo Bloomberg. Ngoài ra, mức đầu tư của Nhật vào 5 nước này cũng đã tăng lên gần gấp đôi so với mức đầu tư vào Trung Quốc trong thập niên qua.
“Thậm chí xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã có trước khi đại dịch bùng phát và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra”, Phó giám đốc JETRO Satoshi Kitashima khẳng định.

Bùng nổ ở Việt Nam

Trong số 30 công ty nhận trợ cấp của chính phủ Nhật để mở rộng sản xuất ở nước ngoài, có một nửa sẽ dùng số tiền đó để đầu tư ở Việt Nam. Chẳng hạn Công ty Fujikin có trụ sở ở TP.Osaka chuyên sản xuất linh kiện dùng cho việc chế tạo chất bán dẫn, sẽ nhận số tiền trợ cấp bằng 2/3 chi phí chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Chúng tôi không ngừng suy nghĩ về việc gia tăng khả năng sản xuất của mình ở Việt Nam trước khi chương trình trợ cấp được đưa ra và giờ đây chương trình này đến kịp lúc”, Chủ tịch Shinya Nojima của công ty này cho hay.
Một công ty sản xuất thép ở Nhật cũng đang có kế hoạch xuất khẩu hàng sang Mexico từ Việt Nam, thay vì từ Trung Quốc như trước. Ngoài ra, công ty may mặc Showa International cũng định dùng tiền trợ cấp để gia tăng sản xuất áo bảo hộ y tế và khẩu trang ở Việt Nam giữa lúc nhu cầu gia tăng. Showa International có trụ sở tại Tokyo và sản xuất quần áo ở Việt Nam trong 25 năm qua.
Theo Bloomberg, Việt Nam trở thành điểm đến được ưa chuộng đối với nhiều nhà sản xuất vì có giá điện và lao động tương đối thấp, gần Trung Quốc và cởi mở đối với đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Nojima của Công ty Fujikin cho hay lương lao động ở Việt Nam bằng 1/10 ở Nhật và thấp hơn ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Phó giám đốc JETRO Satoshi Kitashima, từng ở Việt Nam 9 năm hỗ trợ kinh doanh giữa hai nước, cho rằng nhiều công ty đang chuyển sang Việt Nam, với mục tiêu nhắm tới thị trường phát triển nhanh chóng và còn mới này. Ngoài ra, các nhà đầu tư tin tưởng Việt Nam vì có sự ổn định về chính trị và khả năng kiểm soát Covid-19, theo Bloomberg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.