Đồng lựa chọn can thiệp cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh lao

01/12/2023 16:14 GMT+7

Ngày 30.11.2023 - Sáng kiến Tái định hình Dịch vụ chăm sóc bệnh lao (RTC) vừa kết thúc một năm đầu tiên thành công với 88 cuộc phỏng vấn những người chịu ảnh hưởng của bệnh lao và những bên liên quan, và quyết định sẽ thực hiện một biện pháp can thiệp giảm nhẹ khó khăn kinh tế do bệnh lao.

Hội thảo "Lựa chọn Can thiệp Tái định hình Dịch vụ chăm sóc bệnh lao tại Việt Nam" quy tụ các cá nhân và tổ chức có liên quan, bao gồm những người chịu ảnh hưởng của bệnh lao, các nhà hoạch định chính sách ở cấp trung ương và địa phương, các cán bộ y tế, và nhà tài trợ để thảo luận về ba sáng kiến đổi mới - (1) hỗ trợ tài chính và bảo trợ xã hội, (2) phần mềm hỗ trợ chẩn đoán phim chụp X-quang (CAD), và (3) hệ thống dữ liệu không giấy tờ. Đây được đánh giá là những giải pháp tiềm năng có thể củng cố và nâng cao chất lượng triển khai và tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh lao tại Việt Nam.

Sáng kiến bảo trợ xã hội và hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao gặp khó khăn về kinh tế, các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh lao không có bảo hiểm y tế hay giấy tờ tùy thân đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Giải pháp này sẽ được thiết kế với mục tiêu tăng cường Hệ thống Bảo hiểm y tế và các hệ thống hỗ trợ xã hội khác tại Việt Nam, đảm bảo rằng bệnh nhân mắc lao ở Việt Nam được hỗ trợ tài chính để hoàn thành quá trình điều trị.

Đồng lựa chọn can thiệp cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh lao - Ảnh 1.

Ứng dụng cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm...

Sáng kiến RTC là một nỗ lực toàn cầu, với mục tiêu tìm ra các chiến lược và đột phá mới, nhằm cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh lao tại các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của căn bệnh này. Sự nhất quán trong cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm là một trong những điểm nổi bật của RTC, với quan điểm: người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bệnh lao sẽ hiểu rõ nhất những nhu cầu và ưu tiên của bản thân họ. Bằng cách khuyến khích những cá nhân này tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết định, dự án đảm bảo rằng những biện pháp can thiệp được lựa chọn sẽ đáp ứng được nhu cầu của những người sống chung với bệnh lao và gia đình họ.

Chị Hà, một người từng điều trị lao thành công và là thành viên của nhóm Cố vấn Dự án cho biết: "Đối với dự án này, tôi nhận thấy những ý kiến và chia sẻ của tôi được ghi nhận và trân trọng. Những chia sẻ của tôi được mọi người lắng nghe và thấu hiểu".

Với cách tiếp cận mới này, dự án đồng hành cùng các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, trong đó có Việt Nam, nhằm tìm ra hướng đi mới trong việc xác định và giải quyết những thách thức cấp thiết nhất trong chăm sóc bệnh lao. Cách tiếp cận này cũng cho thấy một bước bứt phá trong xây dựng chính sách, giúp đảm bảo rằng các biện pháp can thiệp thực sự đáp ứng những nhu cầu và mối quan tâm đặc biệt của người dân.

Đồng lựa chọn can thiệp cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh lao - Ảnh 2.

"Stop TB Partnership chúc mừng Việt Nam đã đảm bảo được việc xác định, ưu tiên và lựa chọn các sáng kiến đổi mới dựa trên nhu cầu và ưu tiên của người dân - những người chịu ảnh hưởng của bệnh lao, gia đình họ, và cả các cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc lao, đảm bảo rằng họ là một phần của quá trình ra quyết định", bà Jacqueline Huh, Trưởng phòng Ngoại giao và Chiến lược tại Stop TB Partnership phát biểu.

Tái định hình dịch vụ chăm sóc lao tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Tổ chức Friends for International TB Relief (FIT) được lựa chọn là đối tác thực hiện dự án. Trong suốt 6 tháng qua, RTC đã hợp tác chặt chẽ với Chương trình Chống lao Quốc gia, làm việc trực tiếp với những người chịu ảnh hưởng của bệnh lao, các nhà hoạch định chính sách ở cấp trung ương và địa phương, và các cán bộ y tế để đảm bảo thu thập thông tin một cách đa chiều về mong muốn và ưu tiên của từng nhóm. Hành trình bắt đầu vào tháng 6.2023, khi FIT tiến hành khảo sát các dự án nhằm xác định những vấn đề cần ưu tiên cải thiện trong chương trình chăm sóc lao. Tháng 7.2023, hội thảo đầu tiên đã quy tụ những người chịu ảnh hưởng của bệnh lao và các bên liên quan để đánh giá và thu hẹp phạm vi ưu tiên xuống còn năm lĩnh vực cần cải thiện. Hội thảo thứ hai, diễn ra vào ngày 8.9.2023 tại TP.HCM, là nơi các thành viên nhóm Cố vấn thiết kế dự án cùng các bên liên quan rà soát mười chín danh mục sáng kiến đổi mới tương ứng với năm lĩnh vực ưu tiên này, và chọn ra ba danh mục triển vọng nhất, bao gồm hỗ trợ tài chính, phần mềm CAD và hệ thống dữ liệu.

Đồng lựa chọn can thiệp cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh lao - Ảnh 3.

Tại hội thảo thứ ba mới đây, đại biểu có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các danh mục này. Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất lựa chọn bảo trợ xã hội và hỗ trợ tài chính là giải pháp can thiệp sẽ được triển khai năm 2024. Giải pháp can thiệp này dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu của hàng chục nghìn người và hộ gia đình chịu ảnh hưởng của bệnh lao có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Phát biểu về định hướng dự án RTC trong các năm tiếp theo, bác sĩ Vũ Ngọc Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Phòng cho biết: "Tôi kỳ vọng dự án sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho hoạt động chống lao tại Hải Phòng nói riêng và trên quy mô toàn quốc nói chung vào năm 2024. Chúng ta sẽ được chứng kiến việc ứng dụng những ý tưởng độc đáo từ những cá nhân mắc bệnh lao để định hình các giải pháp chăm sóc phù hợp và hiệu quả".

Sáng kiến RTC được thực hiện với sự hỗ trợ của tổ chức Stop TB Partnership, Quỹ Phòng trừ Dịch bệnh Toàn cầu - Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (US CDC).

Đồng lựa chọn can thiệp cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh lao - Ảnh 4.

Để biết thêm thông tin về Sáng kiến RTC, vui lòng truy cập:

www.stoptb.org/accelerate-tb-innovations/re-imagining-tb-care.

www.chuyenvelao.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.