Động đất liên tục tấn công Nhật Bản

17/04/2016 06:00 GMT+7

Trong vòng 2 ngày, vùng tây nam Nhật Bản hứng 2 trận động đất liên tiếp với hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Trong vòng 2 ngày, vùng tây nam Nhật Bản hứng 2 trận động đất liên tiếp với hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Cảnh đổ nát tại Kumamoto sáng 16.4 - Ảnh: AFPCảnh đổ nát tại Kumamoto sáng 16.4 - Ảnh: AFP
Chỉ hơn 24 giờ sau trận động đất 6,5 độ Richter tối 14.4, người dân trên đảo Kyushu, tây nam Nhật Bản kinh hoàng nhận ra rằng đó chỉ là một đợt “khởi động”. Vào 1 giờ 25 sáng 16.4, khu vực này một lần nữa rung chuyển bởi cơn địa chấn 7,3 độ Richter với tâm chấn gần thành phố Kumamoto, thủ phủ tỉnh cùng tên.
Tổng cộng có ít nhất 41 người chết và hơn 2.000 người bị thương sau 2 trận động đất, theo Reuters. Ngoài ra, ảnh hưởng của động đất lớn tới mức khiến núi lửa Aso ở Kumamoto phải cựa mình, gây ra một đợt phun trào nhỏ vào sáng 16.4.
Hôm qua 16.4, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga ước tính còn gần 100 người có thể bị chôn vùi dưới các đống đổ nát nên chính phủ sẽ điều động thêm binh sĩ đến hiện trường, có thể lên tới 20.000 người, vào hôm nay 17.4 để phối hợp cùng cảnh sát, lực lượng cứu hỏa và y tế tiến hành cứu hộ. Công tác ứng phó hậu quả động đất đang gặp nhiều khó khăn do dư chấn liên tiếp, dẫn tới lo ngại có thể sẽ còn động đất mạnh hơn.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Không có gì quan trọng hơn mạng người và đây là cuộc chạy đua với thời gian. Tôi muốn hoạt động cứu hộ tiếp tục diễn ra với nỗ lực tối đa”.
Động đất liên tục  tấn công Nhật BảnMột nạn nhân được cứu từ đống gạch đá - Ảnh: Reuters

“Không còn nơi nào an toàn”
Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 16.4 đã gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau những trận động đất mạnh liên tiếp tại Kumamoto và các tỉnh lân cận, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện thăm hỏi tới Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida.
Tối 16.4, Bí thư thứ nhất thuộc Đại sứ quán VN tại Tokyo Phạm Quang Hưng cho Thanh Niên hay có khoảng 300 sinh viên Việt đang học tập tại Kumamoto và đến nay chưa có thông tin về người Việt bị ảnh hưởng bởi động đất. Tổng lãnh sự quán VN tại Fukuoka đã cử người đến vùng động đất để tìm hiểu thêm tình hình, kịp thời hỗ trợ, xử lý khi cần thiết.
Cộng đồng VN cần giúp đỡ có thể gọi đến đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán VN tại Nhật Bản (+8180.35909136) hoặc của Tổng lãnh sự quán VN ở Fukuoka (+8180.39846668 và +8180.39040198).
Tính đến hôm qua 16.4, đã có khoảng 90.000 người ở tỉnh Kumamoto phải sơ tán vào các trại lánh nạn. Kyodo News dẫn lời ông Fumio Iwamoto bàng hoàng kể lại: “Tôi đang ngủ trên lầu thì cả ngôi nhà rung lắc dữ dội. Tôi lập tức chụp lấy điện thoại và cố chạy ra ngoài nhưng tất cả đổ ập xuống đầu. Xung quanh tối đen và tôi không còn biết gì nữa”. May mắn là ông đã được giải cứu sau 30 phút nằm dưới đống gạch đá.
Ở thị trấn Mashiki, nhiều ngôi nhà hư hại nghiêm trọng do trận động đất 6,5 độ Richter vào tối 14.4 đã đổ sập hoàn toàn bởi cơn địa chấn thứ hai. “Với tình hình này thì không còn nơi nào an toàn nữa, kể cả những nơi trú ẩn”, một lính cứu hỏa địa phương khẳng định với Kyodo News. Tại các điểm tạm lánh, hàng chục ngàn người hoảng hốt, nhốn nháo mỗi khi mặt đất rung chuyển vì dư chấn.
Tuy nhiên, tinh thần bình tĩnh, kiên cường và kỷ luật nổi tiếng của người Nhật vẫn được giữ nguyên. Mọi người chăm sóc, động viên nhau và xếp hàng trật tự để chờ nhận thực phẩm. “Tôi không cảm thấy phiền khi đứng xếp hàng. Tôi rất biết ơn vì nhận được thực phẩm”, một người đàn ông 60 tuổi nói với Reuters khi đang chờ binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ phát phần ăn tại Mashiki. Ngoài ra, còn có rất nhiều người may mắn có nhà cửa còn nguyên vẹn ở Kumamoto sẵn sàng cho nạn nhân động đất ở miễn phí.
Nguy cơ khó lường
Trận động đất sáng 16.4 có cùng cường độ với trận động đất khiến hơn 6.400 người thiệt mạng tại tỉnh Hyogo năm 1995 và mạnh gấp 16 lần trận động đất tối 14.4. Ban đầu, nhà chức trách còn đưa ra cảnh báo sóng thần nhưng sau đó đã gỡ bỏ. Một quan chức Nhật khẳng định với Reuters không có dấu hiệu bất thường nào tại 3 nhà máy điện hạt nhân trong khu vực. Tuy nhiên, hàng trăm ngàn người đang lâm vào cảnh không có điện, nước và khí đốt sử dụng, theo Đài NHK.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy những cây cầu đứt đôi, đường sá nứt toác bên cạnh những ngôi nhà đổ nát. Sân bay Kumamoto cũng bị hư hại nặng, buộc giới chức hủy tất cả chuyến bay trong ngày 16.4, còn dịch vụ đường sắt cao tốc cũng tạm ngưng hoạt động ở Kyushu. Ngoài ra, nhiều ngôi làng miền núi đang bị cô lập hoàn toàn với hơn 1.000 người đang mắc kẹt, theo AFP.
Nhân viên cứu hộ nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong một ngôi nhà bị sập tại điểm xảy ra lở đất do động đất gây ra tại thị trấn Minamiaso, tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) ngày 16.4.2016 - Ảnh: Reuters

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết tính từ thời điểm xảy ra trận động đất 6,5 độ Richter đến 11 giờ ngày 16.4 (giờ địa phương), đã có 252 đợt dư chấn. NHK dẫn lời ông Gen Aoki kêu gọi mọi người cảnh giác vì hoạt động địa chất đang gia tăng ở 2 tỉnh Kumamoto và Oita, kéo theo nguy cơ sập nhà và lở đất. Bên cạnh đó, nhà địa vật lý John Bellini thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ dự đoán khu vực nói trên sẽ còn hứng dư chấn thêm nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần.
Chưa hết, chính quyền nhiều tỉnh thành tại Kyushu đã khuyến cáo hơn 10.000 người sơ tán do dự báo sẽ có mưa lớn trút xuống khu vực trong vài ngày tới, cộng thêm nước sông dâng cao sau động đất có thể dẫn tới lũ lụt và lở đất nghiêm trọng hơn. Sau đợt phun trào nhẹ sáng qua, cũng chưa thể bảo đảm núi lửa Aso sẽ không tiếp tục cựa mình nên nhà chức trách đã ban hành lệnh cấm lại gần ngọn núi này trong vòng 1 km.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.