Dòng chảy gốm Việt: Nàng thơ của Trịnh Vũ Hiếu

09/03/2023 07:05 GMT+7

Tung hứng vào gốm với đủ đề tài, từ dân gian, tín ngưỡng đến chiến tranh, tiền tệ…, rồi một ngày đẹp trời, Trịnh Vũ Hiếu vẽ… người đẹp, và thế là một loạt nàng thơ của Hiếu ra đời.

Năm 2023, đủ 10 năm tròn họa sĩ Trịnh Vũ Hiếu cắm đầu vào gốm, từ việc sáng tác với bàn xoay, đề tài trang trí, cho đến các quy trình và kỹ thuật lò nung, Hiếu đều tự chủ. Buông bỏ những thứ đang sẵn có, theo đuổi môn chơi mới là gốm sáng tác, nhìn qua chỉ toàn gian nan, chưa thấy đâu tươi sáng. Thế nên kiểu "cắm đầu" ấy, đúng với tính cách của một gã hơi điên điên nhưng tốt bụng - cũng là những biệt danh bạn bè thân quen hay ghép sau cái tên cúng cơm của Hiếu.

Dòng chảy gốm Việt: Nàng thơ của Trịnh Vũ Hiếu - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu trong một chuyến mở cửa lò đón mẻ gốm mới nung hoàn thiện

Thiên An

Gốm Hiếu có gì lạ? Những năm mới vào nghề, trong nét gốm là kỹ thuật quen, ứng dụng từ gốm Việt cổ, đặc biệt là mảng gốm hoa nâu ở hai thời đại Lý, Trần. Hiếu mượn lối chế tác gốm hoa nâu phát triển đề tài hoa lá như diên vĩ, dã quỳ, cúc, lan… trên nền cốt gốm có tạo hình riêng, táo bạo và thử thách. Hiếu thành công cũng lắm, nhưng thất bại cũng nhiều bởi dám chạm đến giới hạn an toàn kỹ thuật bàn xoay khi cho ra những dáng thế hiện đại, chạm ngưỡng chịu lực tối đa của gốm. Từng mẻ lò như một cuộc đánh cược với lửa, để qua từng năm, kinh nghiệm lò nung, việc kiểm soát chất liệu, kỹ thuật men trang trí… dần hoàn thiện.

Những cuộc triển lãm, những đề tài sáng tác, vẫn quen gặp ở Hiếu mạch dẫn đưa dân gian vào đương đại, từ sắc men, đến hình ảnh tín ngưỡng như tranh thờ, hầu đồng, các vị tiên thánh, có cả bom đạn, huân huy chương, các con chữ trích trong thư bộ đội gửi về người thân từ chiến trường, vẻ đẹp của các tờ tiền giấy… Hiếu lấy cấu tứ, trích đoạn, chuyển tải khéo léo vào gốm theo một lối đi chẳng giống ai.

Dòng chảy gốm Việt: Nàng thơ của Trịnh Vũ Hiếu - Ảnh 2.

Người đẹp ẩn mình trong khu vườn hoa lá trên cốt gốm của Hiếu

Thế rồi ở đầu năm 2023, Hiếu lọ mọ ra loạt sáng tác mới với gốm, lần này Hiếu vẽ người, lại toàn là người đẹp. Hỏi chuyện, Hiếu chân tình kể: "U.50 rồi, nhìn lại, chợt nhận ra trước giờ đã gặp qua nhiều người đẹp, đó là bạn, là người yêu, là… chẳng là gì cả, khi vu vơ gặp trên đường thôi, nhưng cái đẹp ấy ăn vào tâm trí, khi là một hình bóng cụ thể với tên tuổi, kỷ niệm rõ ràng, cũng khi chẳng rõ ấy là ai, ở đâu. Vậy là tôi nghĩ phải đưa vẻ đẹp của họ vào gốm".

Vẫn là kỹ thuật tạo hình cốt gốm sử dụng bàn xoay, tạo nên các dáng bình, lọ, hũ đa dạng, đậm phong cách trang trí bởi ảnh hưởng từ nền tảng và tư duy làm thiết kế nội thất và sáng tác hội họa trước khi chuyển qua gốm. Nhờ vậy, trong từng sản phẩm tạo hình, yếu tố gốm kiến trúc đã là một lợi thế của Hiếu. Từ hình khối ấy, Hiếu đưa nàng thơ của mình vào, sử dụng kỹ thuật khắc vạch tô men quen dùng, phối với những đường nét mang kỹ thuật hội họa, và lối biến sắc của men gốm sau nung, diễn tả vẻ đẹp các nàng thơ ở đời thực.

Dòng chảy gốm Việt: Nàng thơ của Trịnh Vũ Hiếu - Ảnh 3.

Nàng thơ của Hiếu, có khi chỉ là một nét đẹp bất chợt trên dòng đời

Đến với gốm như một cuộc chơi, lại chế tác theo lối độc bản, Trịnh Vũ Hiếu dùng tính bất biến của gốm để chuyển tải thứ ngôn ngữ tạo hình, mỹ thuật, kiến trúc, hội họa, văn hóa, trải nghiệm, kinh nghiệm, cảm xúc, thời gian… của chính tác giả. Những nàng thơ của Hiếu là chuỗi sáng tác thú vị trong dòng gốm mỹ thuật, để xem, nghe, và chơi như cách tác giả của nó đang chơi cùng gốm.

Dòng chảy gốm Việt: Nàng thơ của Trịnh Vũ Hiếu - Ảnh 4.

Nàng thơ như thêm một cái cớ để Trịnh Vũ Hiếu tiếp tục chơi với gốm

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.