Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lợi đủ đường

28/01/2019 12:53 GMT+7

Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã có văn bản hỗ trợ người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ nguồn ngân sách thành phố, mức hỗ trợ từ 10 - 30% ở các nhóm đối tượng tham gia.

BHXH tự nguyện coi như tiết kiệm để có lương hưu

Quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện
Người dân khi tham gia BHXH tự nguyện được hưởng một số quyền lợi như tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, người tham gia được hưởng chế độ hưu trí khi đóng được ít nhất 20 năm và hết tuổi lao động; được hưởng chế độ BHXH 1 lần nếu không đủ điều kiện hưu trí hoặc muốn nhận sớm; thân nhân được hưởng tử tuất nếu người đóng chẳng may qua đời.
Anh Dương Tấn Tài (26 tuổi, ở quận 12, TP.HCM) vừa nghỉ việc lái xe ở một công ty. Rút sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), anh Tài nhận thấy thời gian đóng mới được 5 năm nên có ý định tìm hiểu để tiếp tục đóng BHXH để sau này được hưởng lương hưu giống như nhiều người tham gia BHXH bắt buộc. Hiện anh Tài đang hoàn tất việc chuẩn bị giấy tờ và sẽ sớm đến BHXH TP.HCM để đăng ký đóng BHXH tự nguyện. Theo anh, việc đóng như thế này có lợi cho người lao động tự do bởi sau này sẽ được hưởng các quyền lợi giống như BHXH bắt buộc.
Không giống anh Tài, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về BHXH tự nguyện nên dù có ý định tham gia nhưng vẫn không biết phải làm thế nào. Điển hình như chị Đỗ Thu Trang (36 tuổi, kinh doanh tự do ở quận Gò Vấp, TP.HCM). Chị Trang cho hay, trước nay buôn bán tự do theo truyền thống của gia đình, có đồng nào xài đồng nấy và chưa từng đóng BHXH. "Mình cũng muốn đóng BHXH nhưng tự mình đi đóng như thế nào thì không rõ. Đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu về sau nên mình nghĩ đó cũng như một khoản tích góp để sau này mình có nguồn lương khi về già. Chắc mình sẽ sớm tìm hiểu để tham gia", chị Trang bày tỏ.
Có không ít bạn trẻ sau khi ra trường chọn công việc part-time (bán thời gian) để linh động làm được nhiều dự án. Nguồn thu nhập rất khá nhưng lại không ký hợp đồng lao động cố định ở đâu (do làm theo dự án riêng lẻ và không thích bó buộc), những người này cũng không tham gia BHXH bắt buộc. Khi được hỏi, nhiều người trong số đó cho rằng, tham gia BHXH tự nguyện có lợi vì nó tương đương một khoản tiền tiết kiệm mà bản thân tích trữ. Bạn Trần Khôi Thái (29 tuổi, làm việc tự do, ngụ quận 3, TP.HCM) nêu quan điểm: "Tới đây ổn định tài chính thì em sẽ đóng BHXH tự nguyện. Cái đó như tự mình bỏ ống heo, sau này có lương hưu".

Tháo gỡ rào cản

Tính đến ngày 31.12.2018, số người tham gia BHXH tự nguyện ở TP.HCM chỉ còn 5.440 người, đã giảm 4.238 người so với năm 2017 (lý do đóng một lần hưởng hưu trí). Ông Phan Văn Mến (Giám đốc BHXH TP.HCM) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. Trong đó nguyên nhân khách quan thuộc về cơ chế chính sách.
"Hiện nay, theo quy định của Luật BHXH là người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 22%, mức thấp nhất bằng mức của hộ nghèo nông thôn 700.000 đ, còn mức cao nhất không vượt quá 20 lần lương cơ sở (có nhiều mức để người dân lựa chọn). Trong khi đó lại có một số hạn chế về quyền lợi đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vì họ chỉ được hưởng hai chế độ tử tuất và chế độ hưu trí. Người đóng BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, nghỉ việc. Do đó, chưa hấp dẫn người lao động tham gia", ông Mến thông tin.
Thứ hai là nguyên nhân chủ quan, thuộc về phía cơ quan BHXH và các cấp chính quyền địa phương khi chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền. Người dân còn chưa rõ được tính nhân văn của chế độ BHXH này. "Trong năm 2019, chúng tôi sẽ khắc phục được hạn chế này và ngay từ đầu năm, BHXH TP.HCM đã có kế hoạch với ngành bưu điện để tổ chức tuyên truyền đến từng tổ dân phố, cụm dân cư, thường xuyên liên tục nhằm phổ biến các chế độ chính sách BHXH tự nguyện", ông Mến khẳng định.
Ông Mến cũng cho biết UBND TP.HCM cũng đã có văn bản hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện từ nguồn ngân sách của thành phố theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, sẽ hỗ trợ từ 10 - 30% ở các nhóm đối tượng tham gia. "Chắc chắn trong năm 2019, số đối tượng theo kế hoạch đề ra có thể thực hiện được", ông Mến nói.

6 cách đóng BHXH tự nguyện

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ 15 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nếu có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, thì được đóng tiếp cho đến khi đóng đủ 20 năm BHXH và đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí hằng tháng.
Theo Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 thì hiện nay, có 6 cách mà người lao động có thể áp dụng đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu.
1. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
- Đóng hằng tháng.
- Đóng 3 tháng một lần.
- Đóng 6 tháng một lần.
- Đóng 12 tháng một lần.
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
2. Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.
Hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện
Theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, việc hỗ trợ tiền đóng BHXH của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày 1.1.2018. Không hỗ trợ tiền đóng đối với thời gian đóng BHXH tự nguyện trước ngày 1.1.2018, trừ trường hợp đóng một lần cho những năm còn thiếu theo phương thức đóng quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
Điều 14 Nghị định này quy định việc hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện cụ thể như sau:
1. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ:
Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể:
a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;
b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Căn cứ vào điều kiện phát triển KT-XH và khả năng ngân sách Nhà nước (NSNN) trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.
2. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
3. Phương thức hỗ trợ:
a) Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện do cơ quan BHXH chỉ định;
b) Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền NSNN hỗ trợ theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH;
c) Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kinh phí NSNN hỗ trợ do cơ quan BHXH chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ BHXH mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31 - 12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ BHXH của năm đó.
4. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp NSNN hiện hành; ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với các địa phương ngân sách khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.