Donbass 'cực kỳ khó khăn', nhưng Ukraine không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ

22/05/2022 19:42 GMT+7

Tổng thống Ukraine tối 21.5 nói "tình hình ở Donbass cực kỳ khó khăn", khi quân đội Nga tăng cường tấn công vào các thành phố Slovyansk và Severodonetsk ở miền đông.

Sau khi kiểm soát hoàn toàn Mariupol, Nga đang tập trung tiến công tại các khu vực khác ở vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine.

Trong bài phát biểu khuya 21.5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay Nga đang leo thang tấn công thành phố Sloviansk ở tỉnh Donetsk và Severodonetsk ở tỉnh Luhansk trong vài ngày qua, theo CNN.

Nhà lãnh đạo nhận định tình hình tại Donbass lúc này là cực kỳ khó khăn. Mặc dù vậy, ông Zelensky ca ngợi lực lượng Ukraine đang chặn đứng các đợt tấn công và mục tiêu mà Ukraine đang nhắm đến là chiến đấu cho "ngày chiến thắng".

Ông Zelensky ngày 21.5 cũng để ngỏ khả năng đối thoại với Nga khi tuyên bố rằng cuộc chiến có thể đẫm máu, giao tranh diễn ra ác liệt nhưng tất cả chỉ được chấm dứt thông qua con đường ngoại giao.

Mặc dù vậy, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nhấn mạnh Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào với Nga liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ.

Quân đội Ukraine tại Donbass đang đối mặt với vô vàn khó khăn

Reuters dẫn lời ông Podolyak nói: "Chiến tranh sẽ không chấm dứt sau khi nhượng bộ. Nó sẽ chỉ tạm ngừng trong một thời gian, rồi Nga sẽ lại bắt đầu một cuộc tấn công mới đẫm máu và quy mô lớn hơn".

Ông Podolyak cũng bác bỏ lời kêu gọi "rất kỳ lạ" của phương Tây về việc đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn khẩn cấp.

Theo vị quan chức, điều này đồng nghĩa lực lượng Nga vẫn còn ở trên lãnh thổ miền nam và miền đông Ukraine. Vị cố vấn tổng thống này nhấn mạnh: "Lực lượng Nga phải rời khỏi đất nước và sau đó mới có thể khôi phục tiến trình hòa bình".

Liên quan đến chiến sự, lãnh đạo Ukraine của chính quyền quân sự vùng Luhansk hôm 21.5 xác nhận Nga đã phá hủy cầu Pavlograd nối giữa Severodonetsk và Lysychansk.

Trong một thông tin có liên quan đến căng thẳng giữa Nga và phương Tây, hôm 21.5 Nga đã cấm nhập cảnh đối với 963 quan chức, nhà báo, quân nhân, doanh nhân... của Mỹ, trong đó có Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken, Giám đốc CIA William Burns.

Đáng chú ý, trong danh sách này còn có cả cố thượng nghị sĩ John McCain và cố Phó giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Melissa Drisko. Hai vị này đều qua đời vào năm 2018.

Ngoài ra, danh sách bị cấm nhập cảnh vào Nga còn có cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga công bố tên 26 người Canada bị cấm nhập cảnh, bao gồm Thủ tướng Justin Trudeau và phu nhân Sophie Gregoire Trudeau.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong chuyến thăm Kyiv vào đầu tháng 5

ẢNH: REUTERS

Mỹ chưa bình luận về động thái này của Nga.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt nhiều biện pháp cấm vận với Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này.

Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga.

Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moscow cũng yêu cầu các nước "không thân thiện" phải mua năng lượng Nga bằng đồng rúp và có thể mở rộng thêm các mặt hàng phải giao dịch bằng đơn vị tiền tệ này.

Phương Tây và Nga cũng đáp trả trừng phạt lẫn nhau bằng cách cấm quan chức, công dân nhập cảnh và trục xuất các đại diện ngoại giao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.