Dồn toàn lực cho TP.HCM chống dịch

Chí Hiếu
Chí Hiếu
09/07/2021 06:02 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ dành những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch; các bộ trưởng cũng cam kết sẵn sàng đáp ứng nhân lực, vật lực theo đề nghị của thành phố.

Đó là thông điệp được nhiều thành viên Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, diễn ra ngày 8.7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính để chuẩn bị áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn TP.HCM từ 0 giờ ngày 9.7.

Bản tin Covid-19 ngày 8.7: Cả nước 1.314 ca bệnh, TP.HCM căng thẳng trước giờ thực hiện Chỉ thị 16

TP.HCM sẵn sàng điều trị cho 20.000 ca nhiễm

Báo cáo phương án chuẩn bị thực hiện Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã khảo sát, đánh giá khả năng đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại hơn 2.800 điểm cung ứng và 28.000 cửa hàng bách hóa. Thương nhân 3 chợ đầu mối được tập huấn, hướng dẫn tổ chức tiếp nhận thực phẩm bằng phương thức giao dịch trực tuyến.

Tạo luồng xanh cho hàng hóa thiết yếu vào TP.HCM

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về phân luồng, phân tuyến bảo đảm lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch, ngành giao thông đã có các hướng dẫn cụ thể như cấp phù hiệu ưu tiên cho xe vận tải theo hình thức trực tuyến bất kể ngày đêm; tạo “luồng xanh” không dừng nhưng lái xe phải đáp ứng quy định phòng, chống dịch, tiền kiểm tại nơi xuất hàng, hậu kiểm tại nơi nhận hàng, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các lái xe; ứng dụng công nghệ để giám sát hành trình, truy vết khi có vấn đề xảy ra...
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết ngành công thương “cam kết với Chính phủ sẽ phối hợp cùng các địa phương cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống”. Còn theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, các phần mềm chống dịch đã tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó khâu nhập dữ liệu và trả kết quả xét nghiệm đã bắt đầu chạy từ sáng 8.7.
Những ngày qua, TP đã khắc phục kịp thời tình trạng thiếu hụt hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại một số thời điểm ở một số điểm bán, siêu thị; tổ chức các điểm bán hàng hỗ trợ, đi chợ thay, gia tăng mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, khoảng 400 xe taxi phục vụ người dân có nhu cầu đến bệnh viện (BV), trung tâm y tế trong trường hợp cấp cứu. Lực lượng vũ trang và y tế duy trì 100% quân số.
“TP sẽ tận dụng tối đa 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 và đã ban hành kế hoạch kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh với các đầu việc cụ thể, triển khai theo từng ngày để giao nhiệm vụ trực tiếp cho lãnh đạo quận, huyện chịu trách nhiệm triển khai”, ông Phong nói và đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hỗ trợ 500 chuyên gia, sinh viên ngành y tế công cộng, dự phòng để phục vụ công tác truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị cho 20.000 ca nhiễm.
Đáp lại, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tinh thần là “TP.HCM thiếu bao nhiêu nhân lực, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ bấy nhiêu” và sẽ trao đổi rất cụ thể với TP để chi viện, tăng cường lực lượng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Dự kiến, ngành y tế sẽ cử khoảng 10.000 cán bộ để giúp TP lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị... và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Long khuyến nghị TP cần chuẩn bị kịch bản cho việc có 50.000 ca nhiễm và bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm). Tất cả các BV trên toàn TP sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Khu cuối cùng là điều trị bệnh nhân nguy kịch, gồm: BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới, BV 115, BV Nhân dân Gia Định.
Tư lệnh ngành y tế đề nghị TP.HCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: toàn TP áp dụng theo Chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung. Với vùng lõi, nên tiến hành xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao thì 5 - 7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp 5 hoặc lấy mẫu theo hộ gia đình.

Cận cảnh những chung cư thành bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 ở TP.HCM

“Ưu tiên tối đa nguồn lực, không xin ý kiến nhiều”

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc thực hiện Chỉ thị 16 với TP.HCM là quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong lúc này, đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trao đi đổi lại nhiều lần. Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM cần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả hơn ở các cấp, các ngành.
Với các ổ dịch lớn, phải có biện pháp, giải pháp khoanh vùng thật nhanh, gọn, giải quyết dứt điểm. Song song đó, công tác vận động, khuyến cáo người dân tích cực thực hiện đúng các giải pháp phòng chống dịch phải được đẩy mạnh cũng như ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phòng chống dịch.
Thủ tướng giao TP.HCM phối hợp với Bộ Y tế, cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản đến 50.000 ca nhiễm để bố trí đủ nguồn lực. “Các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, sinh phẩm, vật tư y tế phải ưu tiên đáp ứng tối đa và theo yêu cầu của TP. Các bộ trưởng quyết định ngay theo thẩm quyền được giao, không xin ý kiến nhiều”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo việc bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa, bám sát tình hình, không gây xáo trộn cuộc sống của nhân dân do thiếu các nhu yếu phẩm. Bộ trưởng Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp hết sức tỉ mỉ với TP.HCM để phân luồng, phân tuyến căn cứ vào tình hình dịch tễ từng khu vực, bảo đảm giãn cách xã hội nhưng không gây ách tắc giao thông.

Sáng 9.7: Thêm 425 ca Covid-19, TP.HCM có đến 350 ca

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.