Đón món quà từ quá khứ

03/11/2022 04:15 GMT+7

Chiếc xe kéo tay của vua Thành Thái giờ đã được đưa ra trưng bày tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế.

Một báu vật thể hiện tài năng của nghệ nhân, đồng thời cũng là một hiện vật gắn với triều đại phong kiến cuối cùng, chiếc xe rất thu hút sự quan tâm của công chúng.

Khi đấu giá được chiếc xe để mang về nước năm 2015, Giám đốc trung tâm khi đó - TS Phan Thanh Hải cho biết đây là kinh nghiệm đầu tiên và mang lại nhiều bài học về công tác đấu giá đưa cổ vật Việt hồi hương, chẳng hạn như việc ủy quyền dự đấu giá và qua cửa hải quan khi mang cổ vật về nước. Khi đó, do thiếu quy định pháp lý liên quan, chiếc xe bị “giam” tại hải quan sân bay Nội Bài cả tháng trời; cuối cùng, lãnh đạo Thừa Thiên-Huế phải ứng tiền ngân sách để giải cứu.

Đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được cơ chế, hành lang pháp lý cần thiết và hiệu quả liên quan đến hồi hương những bảo vật quốc gia đang trôi dạt tại nước ngoài. Trong khi đó, các cơ quan chức năng và những người yêu văn hóa - lịch sử dân tộc đang đứng trước cơ hội và cả thách thức liên quan đến một hiện vật có ý nghĩa lịch sử lớn hơn nhiều so với chiếc xe kéo năm xưa. Đó là ấn Hoàng đế chi bảo, ấn vàng đẹp nhất của nhà Nguyễn, vốn nằm trong kế hoạch đấu giá của nhà Millon (Pháp).

Sau những động thái của Bộ Ngoại giao và Bộ VH-TT-DL cũng như tiếng nói của các cơ quan truyền thông và giới nghiên cứu, chiếc ấn đã được tạm rút khỏi danh mục đấu giá. Tuy nhiên, cơ hội đưa cổ vật hồi hương lại vẫn đang nằm trong “chiếc áo chật chội” của quy định, của cơ chế. Chẳng hạn như chưa có câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi như nếu huy động xã hội hóa thì doanh nghiệp tham gia đấu giá sẽ được hưởng ưu đãi hay hỗ trợ gì hoặc nếu đấu giá thành công thì khi mang ấn về có được miễn thuế hay không.

Sau ấn Hoàng đế chi bảo, nhiều khả năng sẽ lại có những bảo vật Việt xuất hiện trên thị trường đấu giá quốc tế. Rất có thể, lại một cuộc “giải cứu khẩn cấp” khác được tiến hành. Và do khẩn cấp, chúng ta khó lòng chuẩn bị tốt cho công tác đấu giá, thương lượng mua trực tiếp hoặc thậm chí là yêu cầu hoàn trả.

Nghiên cứu, tìm kiếm thông tin cổ vật ở nước ngoài, quy định chi tiết để huy động tài chính, thủ tục pháp lý là những điều cần được bổ sung trong luật Di sản và các luật liên quan. Bên cạnh đó, như nhiều chuyên gia nhận định, một mình Nhà nước có thể sẽ không đủ nguồn lực để mang về tất cả cổ vật, đòi hỏi phải có cơ chế tận dụng mọi nguồn lực của xã hội. Cái chính là phải luật hóa rõ ràng những vấn đề như thẩm định giá trị cổ vật, ưu đãi và hỗ trợ đối với cá nhân hoặc tổ chức tham gia “giải cứu”, bao gồm cả người Việt ở nước ngoài… Như vậy, mới có thể tập hợp được nguồn lực cả trong và ngoài nước, giúp cho chúng ta không bỏ lỡ cơ hội đưa cổ vật hồi hương khi chúng đột ngột xuất hiện.

Đó cũng là sự chuẩn bị để đón những món quà lịch sử đáng tự hào từ quá khứ, bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.