Đón làn sóng đầu tư từ Úc vào Việt Nam

Chí Hiếu
Chí Hiếu
17/03/2018 09:00 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những cải cách, thay đổi của VN đang đem đến cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư và đây là thời cơ tốt để DN Úc đẩy mạnh hợp tác với VN, nếu không, sẽ lỡ mất cơ hội.

Đó là thông điệp được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh khi tiếp các doanh nghiệp (DN) hàng đầu của Úc cũng như khi phát biểu tại diễn đàn DN Úc - Việt Nam trong ngày 16.3 tại TP.Sydney (Úc) với sự tham dự của hơn 400 đại biểu.
Thủ tướng cho rằng Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã tích cực cải cách, từ thể chế, môi trường kinh doanh và liên tục được tăng điểm trong mắt các nhà đầu tư, các định chế nước ngoài. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, lãi suất, lạm phát thấp cũng như đưa ra cam kết bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, đây là giai đoạn nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa, ngay cả với những DN rất lớn, vốn có vị trí độc quyền như Tập đoàn than khoáng sản, Tập đoàn hóa chất, các tổng công ty dầu, điện... nên sẽ là cơ hội lớn để nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài nắm cổ phần chi phối hoặc tham gia làm cổ đông chiến lược. Ngoài ra, các chính sách thuế trong nước ngày càng ưu đãi, giảm sâu như thuế thu nhập DN để hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ... Chính vì thế, VN đang mở ra cơ hội lớn cho giới đầu tư.


Nguồn lực, tài nguyên, thời kỳ dân số vàng của chúng tôi có hạn nên các bạn nếu chậm trễ là mất cơ hội. Hãy nhanh chân đến, nhanh tay chọn cơ hội, nếu không sẽ bị doanh nghiệp khác lấy đi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


Tại diễn đàn, các DN hai nước ký kết 18 văn kiện hợp tác, trong đó nhiều hợp đồng hàng trăm triệu USD, như việc Hãng hàng không Vietjet và đối tác Investec (chi nhánh tại Úc) ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tài chính cho hãng mua 5 máy bay Airbus A321 với tổng giá trị 609 triệu USD. Về giáo dục, ông Nguyễn Cao Trí, Phó chủ tịch Trường đại học Văn Lang, và bà Rhonda Hawkins, Phó hiệu trưởng Đại học Victoria (Úc), đã đại diện ký kết hợp tác giữa hai trường. Theo đó, 55 sinh viên cao học Trường đại học Văn Lang sẽ được tham gia chương trình hợp tác đào tạo tại Đại học Victoria. Hai bên cũng cùng xây dựng một số hợp tác nghiên cứu khoa học trong 3 năm tới.
Cũng tại diễn đàn trên, Thủ tướng cho rằng việc còn nhiều công ty của Úc nằm trong top 500 DN lớn nhất thế giới chưa đến VN làm ăn là điều cả hai phía cần hết sức suy nghĩ để thúc đẩy xúc tiến đầu tư, kết nối... Thủ tướng cho rằng dù còn nhiều việc phải làm để tiếp tục xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, song đây là thời cơ lớn để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm làm ăn tại VN. Minh chứng là dòng vốn FDI trong năm 2017 đổ vào VN lên tới con số kỷ lục 36 tỉ USD, trong đó nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, LG, GE, Honda... đã chọn VN là điểm đến mới, mở ra giá trị mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Nguồn lực, tài nguyên, thời kỳ dân số vàng của chúng tôi có hạn nên các bạn nếu chậm trễ là mất cơ hội. Hãy nhanh chân đến, nhanh tay chọn cơ hội, nếu không sẽ bị DN khác lấy đi”, Thủ tướng nói, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng “một thời gian ngắn tới đây thôi, sẽ có một làn sóng gồm nhiều DN Úc vào VN đầu tư để cả hai bên cùng thắng”. Nhất là khi hai nước vừa nâng quan hệ lên đối tác chiến lược và cùng ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là thời điểm không thể tốt hơn. Trước đó, Thủ tướng dự cơm trưa cùng 12 tập đoàn hàng đầu nước Úc và 9 DN lớn của VN cùng đi.
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều chuyên gia hàng đầu nước Úc đã trả lời Thanh Niên xoay quanh quan hệ Việt - Úc.
GS Peter Drysdale (Tổng biên tập chuyên trang Diễn đàn Đông Á, Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Đông Á - Trường Chính sách công Crawford - Đại học Quốc gia Úc): Quan hệ kinh tế, chính trị song phương Việt - Úc đang mở rộng và đặt nền móng vững chắc để tham gia vào các vấn đề kinh tế, chính trị khu vực lẫn toàn cầu. Có nhiều dư địa để đẩy mạnh thương mại song phương vượt xa mức 11 tỉ USD hiện nay. VN và Úc đều tham gia tích cực vào TPP mà nay là CPTPP sau khi Mỹ rút lui. Các mối quan hệ thông qua giáo dục và cộng đồng cũng rất mạnh mẽ, bao gồm việc thông qua cộng đồng người Việt ở Úc.
Bên cạnh đó, cả hai nước đều đang đối mặt với những thử thách an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh Mỹ dễ thay đổi chính sách một cách khó lường. Vì thế, VN và Úc cần hợp tác chặt chẽ hơn.
Ông Peter Jenning (Giám đốc Viện Chính sách chiến lược Úc, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Cố vấn Thủ tướng Úc): Tôi rất vui mừng khi VN và Úc ký Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Từ nền tảng này sẽ tiến tới các cuộc họp “2+2” hằng năm với sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai nước. Hàng trăm ngàn Việt kiều, du học sinh VN đang sinh sống, học tập và làm việc tại Úc nên hai bên càng gắn kết hơn. Đồng thời, hai nước cũng phải cùng nhau ứng phó các thách thức chung trong khu vực nên cần hợp tác sâu sắc hơn nữa.
GS John Blaxland (Giám đốc Viện Đông Nam Á - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc): Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, VN giờ đây là một đối tác thương mại quan trọng của Úc và cộng đồng người Việt cũng là một phần không thể tách rời trên đất nước chúng tôi. Úc đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của VN đối với sự ổn định và thịnh vượng chung, cũng như trong quan hệ giữa Úc với ASEAN, đồng thời gắn chặt lợi ích với nhau để cùng thúc đẩy quan hệ song phương. Chính vì thế, dù có thể còn một vài khác biệt, nhưng cũng không thể cản trở hai nước tiến gần nhau hơn. Úc vẫn luôn gắn chặt quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh hiện tại, cách một số cường quốc như Trung Quốc tiếp cận khu vực khiến Úc cùng các đối tác ở Đông Nam Á phải tăng cường hợp tác. Và việc đẩy mạnh quan hệ với VN cũng nằm trong tư duy này.
Ông Kyle Springer (Giám đốc chương trình tại Trung tâm Perth USAsia, thuộc Đại học Tây Úc): Trong 10 năm qua, quan hệ Việt - Úc đạt được nhiều bước tiến mạnh mẽ. Sau khi hai bên là Đối tác toàn diện vào năm 2009 thì nay là Đối tác chiến lược. Nhờ đó, hai bên thắt chặt hợp tác về nhiều mặt, trong đó có an ninh - quân sự. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giữa tình hình hiện tại ở khu vực. Tất nhiên, VN và Úc cũng cùng nhau chia sẻ nhiều lợi ích kinh tế - thương mại, cụ thể là hai bên cùng tham gia CPTPP. Hai nước sẽ còn có cơ hội hợp tác về phát triển hạ tầng. Từ nền tảng đó, Việt - Úc có thể cùng nhau thúc đẩy nhiều vấn đề trong khu vực để đạt được hòa bình ổn định chung, điển hình là vấn đề Biển Đông.
Trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ hiến bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian và gặp Thống đốc David Hurley. Đây là bang đóng góp hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội của Úc. Cuối buổi chiều, Thủ tướng cũng đã tiếp một số người đứng đầu các DN lớn của Úc trong các lĩnh vực y tế, xuất nhập khẩu ... Dự kiến trong ngày 17.3, Thủ tướng sẽ tiếp tục gặp gỡ một số DN Úc, nói chuyện với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu người Việt tại Úc và tham dự lễ đón chính thức các trưởng đoàn dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Úc - ASEAN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.