Đơn hàng dệt may, da giày 'hồi sinh'?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
16/12/2023 07:20 GMT+7

Tuyển dụng lao động tại TP.HCM khởi sắc, có doanh nghiệp tuyển đến hàng ngàn công nhân. Liệu đây có phải là tín hiệu lạc quan cho thấy đơn hàng đang quay trở lại?

Doanh nghiệp FDI tăng tuyển dụng, doanh nghiệp nội cầm chừng

Thông tin mới của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng sẽ tham gia ngày hội kết nối việc làm tổ chức vào ngày mai (17.12) tại Cung văn hóa Lao động thành phố. Mỗi công ty tuyển từ vài trăm đến hàng ngàn công nhân. Đặc biệt, Công ty TNHH Worldon VN ở Khu công nghiệp (KCN) Đông Nam (H.Củ Chi) tuyển dụng mới gần 8.000 công nhân trong giai đoạn cuối năm 2023. Đến nay, Worldon VN là doanh nghiệp tuyển số lượng lớn nhất trong làn sóng tuyển dụng trở lại lần này. 

Worldon VN thuộc Tập đoàn dệt may Shenzhou, đến từ Trung Quốc, là một trong những DN FDI của ngành dệt may có quy mô lớn nhất tại VN với quy trình khép kín từ dệt, nhuộm, in, thêu, may… cho nhiều thương hiệu thời trang thế giới. Theo lãnh đạo công ty, do đơn hàng ổn định nên DN quyết định mở rộng xưởng sản xuất, hiện nhà máy mới đi vào hoạt động, cần số lượng lớn nhân sự nên phải tăng tuyển dụng.

Đơn hàng dệt may, da giày 'hồi sinh'? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp may mặc vẫn đang "ăn đong" đơn hàng

Hoàng Hy

Tương tự, Công ty TNHH Đông Nam VN (Hàn Quốc) ở H.Hóc Môn cũng đăng ký tuyển mới hơn 500 công nhân cho các vị trí may, ủi, kiểm hàng... với lương công nhân từ 8 - 15 triệu đồng/tháng để tập trung cho những đơn hàng cuối năm, xuất sang Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trên trang vieclam, công ty này cũng có đăng tuyển các vị trí quản lý, yêu cầu tiếng Anh thành thạo, mức lương 15 - 20 triệu đồng, công nhân lương từ 8 triệu đồng/tháng. Còn Công ty TNHH Pouyuen VN ở Q.Bình Tân, DN từng sa thải hàng ngàn công nhân trong 2 năm qua, nay cũng thông báo cần tuyển mới 110 công nhân nam làm ở khâu sản xuất đế giày. Mức lương tối thiểu của lao động từ 6 - 6,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca...

Ngược lại, DN may mặc trong nước hầu như không có kế hoạch tăng tuyển lao động trong tháng cuối năm. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, thừa nhận công ty hoàn toàn chưa có kế hoạch tăng tuyển lao động bởi đơn hàng vẫn chưa đáp ứng đủ năng lực sản xuất của nhà máy, cho dù số lượng lao động năm nay có giảm. Riêng ngành dệt may, da giày sản xuất xuất khẩu, theo thống kê của một số DN sản xuất quy mô lớn, trong năm qua, lượng đơn hàng sụt giảm 25 - 50%, theo đó, lượng công nhân cũng buộc phải sa thải mức tương đương. Ông Việt cho biết doanh thu xuất khẩu năm 2023 của công ty ước đạt 75% so với năm ngoái. Thị trường nội địa chỉ chiếm 2% trên tổng doanh thu và hầu như không tăng.

Tương tự, sau khi đơn hàng sụt giảm mạnh, Công ty TNHH giày Viễn Thịnh liên tục ra nước ngoài đàm phán trực tiếp với khách hàng, chào hàng đa dạng chủng loại, từ chuyên làm giày nữ, nay nhận những đơn hàng nhỏ giày trẻ em, giày nam... Giá cũng phải cạnh tranh, giảm khoảng 10% so với trước, cho dù nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí đi lại, tiếp thị để tìm kiếm đơn hàng tăng. Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh, cho biết: "Quan trọng là chấp nhận để giữ đơn hàng, giữ được khách hàng cũ lẫn mới. Nhờ vậy, đến quý cuối năm, đơn hàng đủ để bảo đảm việc làm cho công nhân mà thôi, chưa có chủ trương tăng ca hay tuyển dụng thêm lao động và trong thực tế, việc làm chưa thể "đầy ắp" như trước. Khó khăn vẫn còn bủa vây ngành sản xuất xuất khẩu".

Xem nhanh 20h: Thưởng tết có tín hiệu lạc quan

Còn nhiều lo lắng cho đơn hàng sau tết

Dù nhiều DN đang tuyển dụng lao động nhưng thực tế, chưa có gì đảm bảo đơn hàng sẽ tăng trở lại bền vững. Ông Phạm Văn Việt nói chỉ có một số công ty tăng tuyển dụng lao động để làm kịp các đơn hàng trước mùa tết, Noel. Còn đa số các DN FDI tuyển dụng lao động để duy trì sản xuất trong tháng Tết Nguyên đán khi công nhân có thể nghỉ về quê hàng loạt. "Tăng tuyển lúc này để làm kịp đơn hàng, bù cho tình trạng công nhân nghỉ Tết âm lịch kéo dài như mọi năm. 

Trong thực tế, các đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi tuy có tăng nhẹ 10% so với quý 3, nhưng cũng chỉ làm đến giữa tháng 2.2024, sau đó chưa có đơn mới. Tức là việc làm cho công nhân sau Tết Nguyên đán vẫn còn nhiều thách thức. Lượng khách hàng truyền thống của công ty giảm nhiều, chúng tôi phải tìm kiếm mở rộng sang các thị trường mới, tìm kiếm khách hàng mới", ông Phạm Văn Việt cho biết. Tuy vậy, để tính đến đơn hàng cho quý 1 và quý 2 năm sau thì "chưa thể mở được một thị trường mới mà có khách hàng tiềm năng, lớn ngay được. Nên thách thức có đơn hàng trong quý đầu năm tới cũng còn rất lớn".

Một DN sản xuất hàng thời trang nội địa là Công ty D&T (Q.8, TP.HCM) cũng không mấy lạc quan vì mọi năm, thời điểm này thường tuyển công nhân thời vụ thêm 20 - 30 người chỉ để tập trung làm khâu nút và đóng gói. Năm nay, tiêu thụ trong nước giảm, công nhân may, cắt, làm nút đều giảm hơn 30%, đơn hàng bán tết đang tăng nhẹ, nhưng chưa cần phải tuyển thêm công nhân làm thời vụ, bởi năng suất thực sự của cơ sở vẫn chưa sử dụng hết.

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tiếp tục giảm hơn 11%, giày dép giảm 6,4%. Trong 11 tháng tính từ đầu năm, xuất khẩu dệt may giảm gần 13%, giày dép giảm hơn 17%, gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 17,6%.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sài Gòn 3, nhận xét việc đăng tuyển dụng của các công ty FDI lớn cho thấy có thể có sự phục hồi nhẹ, nhưng số lượng tuyển dụng tại mỗi nhà máy từ 50 - 200 công nhân chưa thể được xem là dấu hiệu lạc quan. Thực tế hồi giữa năm nay, công ty đã từng cho nghỉ tiếp hơn 6.000 công nhân. Với DN dệt may trong nước, tình hình đơn hàng chưa có gì khởi sắc, đa số DN cố gắng giữ ổn định việc làm, nói đúng hơn là "có chút việc để làm" để công nhân có thể có lương thưởng đón Tết Nguyên đán sắp tới. 

"DN may mặc xuất khẩu trong năm qua tìm mọi cách xoay xở để có đơn hàng, duy trì việc làm, hạn chế tối đa phải sa thải công nhân. Trong thực tế, áp lực tìm kiếm đơn hàng đối với ngành dệt may, da giày trong năm nay là rất lớn, cạnh tranh nhiều, nhưng không thể bỏ cuộc. Quan trọng ổn định việc làm, thu nhập cho công nhân trước tết, sau tết tính tiếp", ông Hồng nói.

Không chỉ hàng tồn các thị trường chính (Mỹ, châu Âu) cao khiến nhu cầu giảm, đơn hàng giảm, ngành may mặc, da giày còn đối mặt với nhiều thách thức trong chuyển đổi xanh. Đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. 

Theo ông Phạm Xuân Hồng, các hiệp định thương mại thế hệ mới đang đặt ra thách thức lớn với các yêu cầu khắt khe về tăng trưởng xanh. Hiệp hội Dệt may VN cho biết có đến 80% DN vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh. Thế nên, trong năm tới, cho dù kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng, cạnh tranh lấy được đơn hàng may để xuất khẩu sang thị trường EU vẫn còn nhiều thách thức. Việc chuyển đổi xanh chậm sẽ khiến DN Việt mất lợi thế…

Theo Bộ Công thương, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm 11,1%, giày dép giảm 6,4%, gỗ và sản phẩm gỗ chỉ tăng nhẹ 1,6%. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 30,27 tỉ USD, giảm 12,7%; giày dép các loại đạt 18,2 tỉ USD, giảm 17,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,1 tỉ USD, giảm 17,6%.

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự kiến nhu cầu nhân lực quý 4/2023 của thành phố vào khoảng 81.000 việc làm. Trong đó, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm hơn 72% tổng nhu cầu; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm gần 28% và khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 0,17%.

Lãnh đạo trung tâm này cho biết thời điểm cuối năm DN tăng cường tuyển dụng lao động để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh dịp tết. Vì vậy, tình hình lao động cuối năm khá khả quan. Trong thực tế, dữ liệu cho thấy tháng cuối năm, các DN thường tuyển lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian, lao động thời vụ... nên nhu cầu lao động phổ thông chiếm gần 13%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.