Đơn giản hóa thao tác ở mức cao nhất

21/04/2020 07:24 GMT+7

Theo Bộ TT-TT, giai đoạn dịch Covid -19 đang thúc đẩy các hoạt động phát triển chính phủ điện tử của các bộ, ngành và cả với người dân, doanh nghiệp.

Báo cáo của Chính phủ cho biết dịch vụ công trực tuyến đã phát huy được rất nhiều hiệu quả, song một số dịch vụ được cung cấp không phổ biến, không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nên không được người dân, doanh nghiệp sử dụng, dẫn đến tình trạng không phát sinh hồ sơ hoặc phát sinh rất ít, không hiệu quả.
Một trong những hạn chế lớn phát triển chính phủ điện tử trước đây là tỷ lệ dịch vụ công tr̀ực tuyến (DVCTT) có phát sinh hồ sơ trực tuyến còn thấp, hiệu quả chưa cao. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ chỉ khoảng 12%. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 2, khi dịch Covid-19 bắt đầu, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi, lên 24%.
Theo Bộ TT-TT, giai đoạn dịch Covid-19 đang thúc đẩy các hoạt động phát triển chính phủ điện tử của các bộ, ngành, không chỉ là nhu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia, họp trực tuyến giữa các cấp, mà còn đẩy mạnh thêm các DVCTT tới người dân, doanh nghiệp.
Theo tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), nếu tính trung bình thực hiện 1 hồ sơ chứng thực với độ dày 5 trang tài liệu, chi phí xã hội một người dân, tổ chức phải bỏ ra là 50.000 đồng (theo cách tính chi phí tuân thủ kiểm soát thủ tục hành chính, bao gồm việc sao chụp, đi lại, phí chứng thực) và người dân thường phải thực hiện rất nhiều lần trong 1 năm. Tuy nhiên, nếu được cấp bản sao điện tử, người dân, tổ chức có thể dùng lại được, do vậy sẽ chỉ phát sinh 1 lần đi thực hiện chứng thực trong nhiều năm.
Với giả định do tái sử dụng nên giảm được 20% số lượng hồ sơ chứng thực bản sao từ bản chính trong 1 năm trên toàn quốc, với số liệu hồ sơ chứng thực trung bình phát sinh trong 1 năm, chi phí tiết kiệm được cho xã hội sẽ là: 140 triệu hồ sơ x 20% x 50.000 đồng = 1.400 tỉ đồng/năm.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử vừa được ban hành sẽ là cú hích lớn cho giao dịch trực tuyến. Ông Phan cho hay nghị định cũng quy định về việc cấp bản sao điện tử có giá trị pháp lý thông qua giải pháp chứng thực từ bản chính hoặc cấp từ sổ gốc. Theo đó, thay vì cấp bản sao bằng giấy như trước, tổ chức, cá nhân khi thực hiện chứng thực có thể yêu cầu cấp bản sao bằng hình thức điện tử. Bản sao điện tử được ký số, bảo đảm tính pháp lý, nguyên vẹn của dữ liệu.
Theo một chuyên gia về lĩnh vực dịch vụ công, DVCTT không chỉ làm thay đổi quy trình làm việc của các cơ quan chính quyền địa phương, T.Ư, mà còn thay đổi cả hành vi của người dân. Cụ thể, chính quyền các cấp thay vì tiếp nhận dữ liệu giấy tờ từ người dân thì nay phải tiếp nhận dữ liệu số. Hệ thống sẽ “lưu vết” rõ ràng từ lúc tiếp nhận hồ sơ, quá trình xử lý ra sao, nên không thể “ngâm” như với hồ sơ giấy.
“Có hàng trăm nghìn thủ tục hành chính có thể đẩy lên hệ thống, thực tế sẽ có những thủ tục ít người dùng, hoặc chưa đạt hiệu quả cao nhưng không phải vì thế mà đặt vấn đề có nên dùng DVCTT hay không. Mà trọng tâm là làm sao để các dịch vụ dễ sử dụng hơn, chỉ cần thao tác trên điện thoại hoặc không phải nhập đi nhập lại thông tin khi làm các dịch vụ khác nhau”, chuyên gia này nói và cho biết thêm, kinh nghiệm của các nước trên thế giới là người dân có thể thao tác dễ dàng việc đăng ký, tạo lập hồ sơ, thực hiện thủ tục hành chính, thuế... trên điện thoại di động (kể cả thanh niên và người cao tuổi). Bên cạnh đó, các thông tin không phải nhập lại nhiều lần, hệ thống sẽ lưu lại hồ sơ cá nhân của người sử dụng, khi đăng ký các dịch vụ khác nhau không phải đăng ký nhiều lần.
“Nếu người dân chưa sử dụng nhiều thì vấn đề do dịch vụ chưa thuận tiện, dễ thao tác. Vì vậy, vấn đề cần lưu tâm với DVCTT là đơn giản hóa thao tác nhất có thể để tiệm cận với tất cả mọi người”, chuyên gia này chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.