Đồn đoán về người mua bán dâm, bị xử lý ra sao?

11/09/2022 06:47 GMT+7

Sau khi Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an) thông tin bắt Lê Hoàng Long về hành vi 'môi giới mại dâm', trong đó Long điều 2 người đẹp có tiếng trong showbiz tên T.T và T.H đến khách sạn cao cấp ở Q.1 (TP.HCM) để bán dâm với giá 15.000 USD (khoảng 360 triệu đồng), thì một số trang mạng xã hội đồn đoán đó là 2 hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và Nông Thúy Hằng.

Để tránh gây hiểu lầm, C02 cũng thông tin trên báo chí rằng 2 hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và Nông Thúy Hằng không liên quan đến đường dây người đẹp bán dâm vừa bị triệt phá.

Hai chủ tài khoản Facebook bị Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên đề nghị Sở TT-TT TP.HCM xác minh, xử lý

CHỤP MÀN HÌNH

Hoa hậu Thùy Tiên đề nghị Sở TT-TT TP.HCM xử phạt 2 chủ tài khoản Facebook

Đề nghị xử lý người tung tin thất thiệt

Bên cạnh đó, ngày 10.9, Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên cùng luật sư của mình đã làm đơn gửi Sở TT-TT TP.HCM đề nghị xác minh, xử lý hành vi vi phạm hành chính của 2 chủ tài khoản Facebook Đ.T.T và Facebook D.N về hành vi tự ý đăng hình ảnh, sử dụng hình ảnh của nữ hoa hậu trái phép trên mạng xã hội và có nhiều lời lẽ, từ ngữ ám chỉ, vu khống hoa hậu có liên quan đến vụ việc đang bị Bộ Công an điều tra đối với Lê Hoàng Long về tội “môi giới mại dâm”.

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cho biết 2 cá nhân trên đều là những người có mối quan hệ và tham gia hoạt động showbiz, lượng người theo dõi lớn. Vì vậy, nội dung họ đăng trên Facebook có sự tương tác cao, đã gây hiểu lầm, xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm và gây tổn hại đến hình ảnh của nữ hoa hậu.

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (TAT Law Firm, bảo vệ quyền lợi cho Hoa hậu Thùy Tiên) cho biết sau khi Thùy Tiên có một số động thái yêu cầu làm rõ những người đưa thông tin, hình ảnh của cô gây hiểu lầm, thì Facebook D.N đã rút những nội dung liên quan, nhưng phía luật sư cũng đã thu thập đầy đủ chứng cứ để thực hiện các bước tiếp theo bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. “Chúng tôi sẽ chờ Sở TT-TT TP.HCM xác minh, xử lý những cá nhân liên quan. Từ quyết định xử phạt vi phạm hành vi (nếu có), chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo chia sẻ.

Để có căn cứ cho cơ quan quản lý xác minh, xử lý người vi phạm, phía luật sư Thảo cũng có văn bản gửi C02, đề nghị được trả lời, thông tin rõ (bằng văn bản) rằng hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên có liên quan đến vụ án Lê Hoàng Long môi giới mại dâm hay không.

Thông tin người mua bán dâm là bí mật đời tư

Ở góc độ khác, về vấn đề công khai hay viết tắt tên người mua bán dâm, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM lưu ý pháp luật đã có nhiều điều chỉnh về mại dâm. Trong đó, hành vi mua dâm, bán dâm, hiện chỉ bị xử phạt hành chính. Đồng thời cũng không được công khai tên, hình ảnh của người mua dâm, bán dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Dưới góc độ là cơ quan thực hiện nhiệm vụ thường trực về phòng ngừa mại dâm, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho rằng nếu công khai thông tin của người mua dâm, bán dâm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền riêng tư của mỗi người. Song song đó, sở này cũng lưu ý việc viết tắt tên có thể khiến nhiều người tò mò, “cư dân mạng” sốt sắng đi tìm, suy đoán. Nhưng dù đi tìm bằng cách nào, người tiếp nhận đưa hình ảnh cá nhân người khác để ẩn ý, minh họa cho hành vi mua bán dâm cần được xử lý nghiêm minh.

Có nhiều năm làm việc trong công tác xã hội về mại dâm, thạc sĩ Phạm Trường Sơn cho hay mại dâm là một trong những vấn đề của xã hội, đặc biệt bởi nó liên quan đến đạo đức, nhân phẩm, cuộc sống cá nhân của mỗi con người và gia đình của họ. Pháp luật nêu rõ là không công khai thông tin của người mua dâm, bán dâm. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp cộng đồng mạng có cách để “moi” ra được thông tin, nhất là thông tin liên quan giới showbiz, người nổi tiếng; thông tin liên quan vấn đề đạo đức, danh dự và thông tin lan truyền rất nhanh dù không đánh giá được mức độ tin cậy như thế nào.

Thạc sĩ Phạm Trường Sơn cũng cho rằng với trường hợp có nhiều hoa hậu bị ảnh hưởng, “réo tên” liên quan đường dây mua bán dâm triệt phá mới đây, phía các cơ quan chức năng cũng cần đánh giá lại mức độ, giới hạn thông tin công khai, ví dụ không đề tên hoặc một cái tên không thể đoán được. Phía cơ quan báo chí thông tấn trước khi thực hiện vấn đề thông tin, nhất là các tin tức liên quan đến vấn đề đạo đức, danh dự cũng cần suy xét lại mức độ tác động xã hội…

Bắt ‘tú ông’ môi giới cho người đẹp showbiz bán dâm với giá 15.000 USD/lượt

Có thể bị phạt 7 năm tù

Ở góc độ pháp luật, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Ngoài ra, điều 38 bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu “việc công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý”.

Vì vậy, theo luật sư Nữ nếu người tiếp nhận thông tin, bằng hình thức nào đó phỏng đoán, đưa thông tin, hình ảnh về mua bán mại dâm, gây ảnh hưởng uy tín, nhân phẩm của người khác cần bị xử lý theo Nghị định 15/2022 của Chính phủ, quy định về sử dụng thông tin cá nhân và trách nhiệm sử dụng mạng xã hội. Trường hợp thông tin sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng, thì tùy hành vi, mức độ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nhiều tội danh khác nhau được bộ luật Hình sự quy định, với khung hình phạt cao nhất 7 năm tù.

Ngoài các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho hay người bị xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm còn có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại theo bộ luật Dân sự.

Không được dùng thông tin, hình ảnh để xúc phạm người khác

Đại diện Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM cho biết quy định hiện hành không cho phép việc dùng mạng xã hội đăng tải hình ảnh, thông tin với mục đích xúc phạm người khác hoặc trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục. Đối với các trường hợp thông tin sai sự thật, vu khống, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng như Facebook, Zalo, TikTok…, thì cá nhân, tổ chức cần phải có đơn đề nghị của người bị xúc phạm và cung cấp được chủ thể sử dụng mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm đó.

Đối với việc sử dụng hình ảnh mà không được sự đồng ý, thì sẽ căn cứ theo điều 32 bộ luật Dân sự để được bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Đồng thời, người bị xúc phạm cũng cần cung cấp các bằng chứng, thông tin, dữ liệu chứng minh rằng mình bị bôi nhọ, gán ghép, vu khống.

Cũng theo vị đại diện Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM, khi nhận đơn phản ánh, nếu xác định được người sử dụng tài khoản sinh sống ở TP.HCM thì Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM sẽ mời chủ tài khoản lên làm việc; nếu đã chuyển cư trú ở địa phương khác thì sẽ gửi văn bản đến Sở TT-TT địa phương đó phối hợp xử lý.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM xử phạt 4 trường hợp vi phạm hành chính về lợi dụng dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông cung cấp thông tin có nội dung xúc phạm người khác, tổng mức phạt 35 triệu đồng. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở cũng thu hồi, tạm ngừng cung cấp thông tin đối với 19 tên miền, tài khoản mạng xã hội; ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với 31 thuê bao di động; chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt 4 trường hợp khác.

Sỹ Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.