Đòn đáp trả rủi ro của phương Tây đối với Nga

23/02/2022 08:42 GMT+7

Ngay trong ngày 22.2, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra quyết định công nhận độc lập 2 vùng của phe đòi ly khai Ukraine, phương Tây đã tung đòn trừng phạt đối với Moscow, thậm chí là các biện pháp có thể gây tổn thương cho chính Mỹ và đồng minh.

Reuters ngày 22.2 dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo sẽ đánh giá lại việc chứng nhận dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 như một biện pháp đáp trả hành động của Nga. Nord Stream 2 là đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức.

Đức đã chủ động dừng dự án Nord Stream 2 để gây sức ép với Nga

Reuters

Bước đi bất ngờ

Suốt nhiều năm qua, năng lượng có thể xem là “vũ khí sống còn” để Nga đối đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của Moscow kể từ khi bị Mỹ cùng các đồng minh trừng phạt sau vụ sáp nhập bán đảo Cremia hồi năm 2014.

Theo tờ The New York Times, Nga là nguồn cung cấp gần 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu cho châu Âu. Kể từ khi căng thẳng Nga và phương Tây dâng cao, giới quan sát lo ngại Moscow sẽ siết chặt nguồn cung năng lượng cho châu Âu dẫn đến việc vật giá leo thang, lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, trong vài năm qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng với Nga và một số nước (hay còn gọi là nhóm OPEC+) liên tục theo đuổi chiến lược cắt giảm sản lượng khai thác nhằm giữ giá cao. Chiếm nguồn cung quan trọng và đang neo giá dầu ở mức cao giúp cho Moscow nắm trong tay điểm yếu của châu Âu.

Anh cấm vận Nga, Đức xét lại dự án Nord Stream 2

Hồi đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố: “Nếu Nga điều xe tăng, binh sĩ vượt qua biên giới Ukraine, thì sẽ không còn Nord Stream 2. Chúng tôi sẽ kết thúc dự án này”. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Biden gặp Thủ tướng Scholz. Tuy nhiên, sau phát biểu của Tổng thống Biden, Thủ tướng Scholz không xác nhận rõ ràng về kế hoạch ngưng dự án Nord Stream 2, dù vẫn khẳng định Nga sẽ phải trả giá đắt nếu xâm lược Ukraine. Chính vì thế, việc Berlin quyết định tạm ngưng dự án Nord Stream 2 khiến giảm nguồn cung khí đốt cho Đức trở thành bước đi bất ngờ.

Thách thức lớn cho phương Tây

Còn quá sớm để có thể kết luận về tính hiệu quả của đòn trừng phạt ngưng dự án Nord Stream 2, nhưng rõ ràng các nước phương Tây có thể sẽ đối mặt không ít khó khăn vì chính bước đi này. Đến tối qua, theo Bloomberg, giá dầu WTI tăng 1,78% lên mức 92,69 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 1,03% lên mức 96,37 USD/thùng. Như vậy, đây là lần đầu tiên giá dầu Brent gần chạm ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea.

Chưa dừng lại ở đó, giới quan sát cảnh báo giá dầu có thể sớm vượt mốc 100 USD/thùng và giữ ở mức trên 100 USD/thùng trong thời gian dài. Cuối năm 2021, khi giá dầu WTI và Brent ở mức 70 USD/thùng, thì chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 10.2021 đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020, trở thành mức tăng mạnh nhất trong 12 tháng kể từ năm 1990. Đến tháng 1 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với mức lạm phát 7,5% - đây là mức cao nhất trong 40 năm. Chính vì thế, Fed đã phải lên kế hoạch tăng lãi suất. Trong khi đó, theo tờ The New York Times, Nga chỉ cần đảm bảo giá dầu ở mức 44 USD/thùng thì có thể đủ bù đắp cho ngân sách vốn đang được nước này thắt chặt.

Từ những thực tế trên, nếu giá dầu tiếp tục tăng cao thì Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ gặp thách thức lớn.

Ukraine cân nhắc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga

Phối hợp trừng phạt

Tuy nhiên, động thái trên không phải là biện pháp trừng phạt duy nhất của phương Tây nhằm vào Nga. Tối qua (22.2), tờ Financial Times đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định trừng phạt 5 ngân hàng của Nga.

Kể từ năm 2015, nhằm chuẩn bị cho các rủi ro bị phương Tây trừng phạt, Nga đã tăng cường năng lực tự cung tự cấp cho nền kinh tế và tích lũy nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào nhằm có thể giải cứu nền kinh tế khi cần. Phần lớn nguồn tích lũy ngoại tệ đến từ xuất khẩu dầu mỏ. Theo tờ The New York Times, Nga đã tích lũy được hơn 630 tỉ USD dự trữ ngoại tệ, tức tương đương khoảng 1/3 GDP nước này. Ước tính, số ngoại tệ 630 tỉ USD tương đương với giá trị xuất khẩu năng lượng của Nga sang các nước châu Âu trong vài năm. Không những vậy, để giảm rủi ro lệ thuộc vào USD, Nga đã giảm tỷ lệ của USD trong dự trữ ngoại tệ xuống còn 16%, phần lớn còn lại là euro, nhân dân tệ của Trung Quốc và vàng.

Chính vì thế, để việc trừng phạt đủ sức gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga thì phương Tây cần phải đặt ra rào cản để Nga sử dụng lợi thế từ số ngoại tệ dự trữ trên. Chuyên gia Edward Fishman, một quan chức hàng đầu chuyên về các chính sách trừng phạt trong chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết: “Các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga gây sức ép mạnh hơn nhiều lần so với những lệnh trừng phạt khác”. Cách thức vừa nêu có thể khiến cho rúp Nga mất giá, đẩy lạm phát tăng cao ở nước này. Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng bị trừng phạt cũng sẽ khiến chính quyền Moscow không thể dùng số ngoại tệ dự trữ để giải cứu rúp Nga.

Cho nên, có thể phương Tây còn sử dụng cùng lúc nhiều biện pháp để vừa chặn nguồn thu vừa gây sức ép lạm phát lên nền kinh tế Nga nhằm trừng phạt các động thái của Moscow.

Chứng khoán không giảm sâu

Trước tình hình Ukraine, viễn cảnh về một cuộc xung đột và các lệnh cấm vận đã gây ảnh hưởng lên thị trường tài chính toàn cầu, nhưng mức độ không lớn. Các chỉ số chính tại Pháp và Đức đều giảm nhẹ dưới 1%. Còn chỉ số FTSE 100 của Anh tăng nhẹ 0,1% do thủ tướng nước này Boris Johnson công bố việc chấm dứt toàn bộ quy định liên quan Covid-19. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo và Hang Seng Index tại Hồng Kông giảm lần lượt 2,2% và 2,4%. Chỉ số chính tại các sàn Thượng Hải, Sydney, Seoul, Đài Bắc, Bangkok đều giảm hơn 1%. Chỉ số chính tại sàn Singapore, Manila, Jakarta và Wellington cũng giảm điểm nhưng không quá sâu.

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.