Dồn dập diễn biến nóng về tình hình Ukraine

Khánh An
Khánh An
13/02/2022 05:58 GMT+7

Phương Tây liên tiếp cảnh báo rằng Nga “sẵn sàng tấn công Ukraine ”, còn Moscow cáo buộc phương Tây tiến hành “chiến dịch tung tin giả quy mô lớn”.

Hãng AFP ngày 12.2 đưa tin các nhà lãnh đạo phương Tây gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hội đàm và khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh giới chức phương Tây đánh giá rằng khả năng Nga tấn công Ukraine đang tăng cao, trong khi các bên tiếp tục nỗ lực ngoại giao với các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với 2 người đồng cấp Mỹ và Pháp.

Xe tăng tham gia diễn tập chung Nga - Belarus trong ảnh do Bộ Quốc phòng Nga đưa ra ngày 11.2

AFP

Cáo buộc của Mỹ

Nhà Trắng cho rằng Nga đã tập trung đủ lực lượng để tiến hành một chiến dịch quân sự lớn nhắm vào Ukraine và cuộc tấn công này có thể bắt đầu “vào bất cứ ngày nào”. Reuters ngày 12.2 dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Nga đã có đủ lực lượng ở biên giới để tấn công Ukraine. Theo ông, tình báo Mỹ tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể ra lệnh tấn công trước khi Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh kết thúc ngày 20.2 và một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Kiev có thể xảy ra.

Mỹ, Anh rút quân khỏi Ukraine

Các phát biểu trên được ông Sullivan đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức một cuộc gọi video với các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan và Romania, cũng như những người đứng đầu NATO và EU từ Phòng Tình huống của Nhà Trắng để kêu gọi các đồng minh đoàn kết trước tình hình ngày càng căng thẳng. Các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về việc Nga tăng cường lực lượng, mong muốn có một giải pháp ngoại giao và nhất trí thực hiện các nỗ lực phối hợp để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga, bao gồm cả việc sẵn sàng gây ra “hậu quả lớn và chi phí kinh tế nghiêm trọng” đối với Nga nếu nước này chọn leo thang quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã trao đổi với những người đồng cấp Ba Lan, Đức, Canada, Pháp, Romania và Ý, cảnh báo về khả năng Nga có thể tấn công Ukraine vào bất cứ lúc nào. Ngoài ra, Phó đô đốc Nils Andreas Stensones, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Na Uy (NIS), cho rằng Nga đã tập trung lực lượng hùng hậu gần biên giới Ukraine nên có thể chiếm đóng một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ nước này. Theo AFP, hải quân Nga ngày 12.2 tiến hành tập trận ở Biển Đen với hơn 30 tàu nhằm đối phó “các mối đe dọa quân sự”.

Nga chỉ trích

Tại Moscow, Đài RT hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích rằng: “Washington cần chiến tranh bằng mọi giá”, khi bình luận về thông tin Mỹ có kế hoạch điều thêm 3.000 binh sĩ đến Đông Âu, bên cạnh 1.700 binh sĩ hiện đang ở Ba Lan.

Moscow nói gì sau khi Mỹ cảnh báo Nga sẽ tấn công vào Ukraine "bất kỳ lúc nào"?

Bà nói thêm rằng “sự khiêu khích, tung tin sai lệch và đe dọa là cách mà Mỹ và các đồng minh chọn để giải quyết vấn đề của họ”.

Nhiều nước kêu gọi công dân rời Ukraine

Các nước Anh, Hàn Quốc, Estonia, Kuwait, Latvia, Mỹ, Na Uy, New Zealand, Nhật Bản và Úc đã khuyến cáo công dân nhanh chóng rời Ukraine và tránh đến nước này trong bối cảnh tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga ngày 12.2 quyết định “tối ưu hóa” nhân viên tại Ukraine, đồng thời khẳng định đại sứ quán và các lãnh sự quán tại đây vẫn tiếp tục làm việc. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi người dân bình tĩnh, “tránh những hành động gây bất ổn và gieo hoang mang”.

Đài CNN dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích phương Tây và truyền thông tiến hành “chiến dịch tung tin sai lệch quy mô lớn” về khả năng Nga tấn công Ukraine nhằm “đánh lạc hướng khỏi những hành động hung hăng của chính họ”. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Anh Ben Wallace vào ngày 11.2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng tình hình khu vực ngày càng căng thẳng và đó không phải lỗi của Nga. Bên cạnh đó, ông bày tỏ hy vọng về việc có thể thảo luận những vấn đề cấp bách nhằm giảm căng thẳng. Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã chính thức kích hoạt cơ chế giảm nguy cơ theo Văn kiện Vienna, khi đề nghị Nga giải thích chi tiết về hoạt động quân sự tại những khu vực tiếp giáp lãnh thổ Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.