Đối xử tốt hơn với biển

Hiền Lương
Hiền Lương
14/08/2022 05:44 GMT+7

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT vừa có chuyến làm việc tại Ban Quản lý vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa ) về công tác quản lý khu bảo tồn vịnh Nha Trang.

Động thái này diễn ra sau khi vừa qua báo chí phản ánh tình trạng suy giảm nghiêm trọng rạn san hô tại đây.

Vịnh Nha Trang không chỉ thuộc về riêng tỉnh Khánh Hòa mà còn là di sản của cả nhân loại, bằng chứng là nó được UNESCO công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới vào tháng 6.2003. Ngoài các yếu tố biển đẹp hay vị trí vịnh, hệ sinh thái dưới biển, trong đó có san hô, là điều kiện cần và đủ để được công nhận. Theo các nhà khoa học, để hình thành một rạn san hô cần đến hàng nghìn, hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu năm. Vì vậy, tình trạng rạn san hô trong vịnh Nha Trang bị tẩy trắng như hiện nay chắc chắn để lại hậu quả rất khó phục hồi, mà có được cũng sẽ phải mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.

Vịnh Nha Trang hiện nằm trong khu vực được bảo vệ bởi luật Di sản và các quy định về bảo tồn biển. Bất kỳ hoạt động khai thác hay dự án phát triển kinh tế nào ở đây đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Thế nhưng, trên thực tế, ngoài yếu tố thiên tai gây tổn hại rạn san hô thì dư luận và cơ quan chức năng vẫn ghi nhận tình trạng đánh bắt thủy sản trong vịnh Nha Trang bằng hình thức dùng hóa chất độc hại xyanua và giã cào, được xem là “hung thần” của biển vì sức phá hoại kinh hoàng đối với môi trường đại dương. Tình trạng này cho thấy công tác bảo tồn biển chưa được thực hiện nghiêm.

Lý giải việc san hô chết hàng loạt, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang cho rằng nguyên nhân chính đến từ ảnh hưởng của 2 cơn bão năm 2017 và 2021. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học và UBND tỉnh Khánh Hòa, còn có tác động từ yếu tố con người, cụ thể là tình trạng đánh bắt, khai thác thủy sản trái phép. Về vấn đề này, phía BQL vịnh Nha Trang cho hay hiện đang phải quản lý một diện tích 249,6 km2 vịnh Nha Trang nhưng chỉ có một phương tiện tuần tra cùng quân số 13 người thì rất khó để bảo vệ hết toàn bộ khu vực.

Theo PGS-TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, các rạn san hô góp 50% tác động trong nuôi dưỡng, bảo tồn nguồn lợi thủy sản nên khi san hô mất đi thì chúng ta mất chừng đó giá trị lợi nhuận bền vững từ biển. Ông An còn cho rằng cần có sự đánh giá khách quan, thẳng thắn, khoa học về nguyên nhân thực sự của tình trạng tẩy trắng san hô chứ không thể đổ hết cho thiên tai địch họa, bởi thiên tai thì nơi nào trên thế giới cũng có nhưng sao họ vẫn bảo tồn, phát triển được san hô mà chúng ta không thể?

Đồng quan điểm này, sau khi thị sát vịnh Nha Trang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng việc san hô chết cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể, phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá vào sự thật, chứ không đổ thừa do bão, biến đổi khí hậu. Tất cả dồn vào do biến đổi khí hậu, chúng ta không thấy cái nào chủ quan thì làm sao khắc phục, bảo tồn được? Ý kiến của ông An, ông Tiến cũng là tâm tư của nhiều nhà khoa học và người dân yêu biển. Thiên nhiên tạo ra những thứ quý giá cho cuộc sống, con người phải biết trân quý và gìn giữ. Chúng ta không nên nhìn vào nguyên nhân “chi li” mà phải nhìn rộng ra và chân thực để đối xử tốt hơn với biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.